Mới đây, tờ báo The Business Times (Singapore) đưa tin, ngành công nghiệp ô tô đã bắt đầu một sự chuyển đổi cơ bản trong bối cảnh các quốc gia trên toàn cầu chuẩn bị cho mục tiêu trung hoà carbon. Cụ thể, tại hội nghị thượng đỉnh COP26 vào tháng 11/2021, nhiều quốc gia và các nhà sản xuất ô tô hàng đầu đã cam kết loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trước năm 2040.
"Các chính phủ trong khu vực Đông Nam Á hiện đang có những kế hoạch rất tham vọng, nhằm giành được miếng bánh thị phần xe điện. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội khác nhau cho ngành công nghiệp khu vực, cũng như các doanh nghiệp nội địa", báo Singapore nhận định.
Cụ thể, Thái Lan là quốc gia có dấu ấn mạnh nhất trong lĩnh vực sản xuất xe có động cơ trong khu vực ASEAN. Cụ thể, quốc gia này đã sản xuất 2,5 triệu chiếc ô tô vào năm 2013. Đến năm 2021, Thái Lan đã sản xuất 1,7 triệu chiếc sau khi trải qua đại dịch Covid-19.
Nhằm giảm lượng khí thải gây hại cho môi trường, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất nội địa, quốc gia này đã điều chỉnh mục tiêu xe điện chiếm 30% tổng sản lượng xe hơi (khoảng 750.000 trong số 2,5 triệu chiếc) vào năm 2030, tăng gấp đôi so với thời điểm hiện tại.
Vốn là nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, thành phần quan trọng trong pin lithium, Indonesia đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu xe điện. Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển VinFast với mục tiêu chinh phục thị trường Mỹ và châu Âu.
The Business Times cho biết, việc chuyển hướng sang di chuyển bằng điện sẽ là điều cần thiết để bảo vệ, cũng như tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất xe trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, người mua hàng và hầu hết các nhà sản xuất ô tô hiện có dường như chưa sẵn sàng để thích ứng và khai thác tiềm năng này.
Việc chuyển sang di chuyển bằng điện sẽ là điều cần thiết để bảo vệ cũng như tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất xe trong khu vực Đông Nam Á.
Đông Nam Á sẽ trở thành trung tâm sản xuất xe điện giá rẻ của thế giới
Trong bối cảnh đó, ông Hirotaka Uchida, Giám đốc bộ phận nghiên cứu ứng dụng ô tô tại Arthur D Little khu vực Đông Nam Á, đã chỉ ra một số cách tiếp cận cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa để nắm bắt cơ hội kinh doanh.
Đầu tiên, ông Hirotaka Uchida phân tích, các nhà sản xuất ô tô lớn trên toàn cầu đã đặt ra các mục tiêu trung hoà carbon đầy tham vọng cho hãng. Vì vậy, những doanh nghiệp này rất quan tâm đến việc hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang động cơ chạy bằng điện.
Vị chuyên gia dự báo, trong vòng 5 năm tới, trước khi các doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa có thể có chỗ đứng trên thị trường trong nước, thì các công ty quốc tế lớn sẽ tiếp tục thống trị lĩnh vực sản xuất ô tô trong khu vực.
"Khu vực Đông Nam Á được coi là một thị trường mới nổi tiềm năng, khổng lồ, nơi tỷ lệ sở hữu xe vẫn dưới 20%. Cho nên, việc tiếp cận bằng các sản phẩm có giá cả phải chăng, thiết kế hấp dẫn là điều cần thiết. Đây là thế mạnh chính của các công ty Trung Quốc như SAIC, Geely và GWM, và cũng là cách để các doanh nghiệp mới như VinFast có thể tham gia thị trường", ông Hirotaka Uchida cho hay.
Được thành lập vào năm 2017 với vốn đầu tư 5 tỷ USD, VinFast bắt đầu sản xuất ô tô chạy xăng vào năm 2019, với động cơ nền tảng của BMW. Đến tháng 11/2021, công ty đã giới thiệu 2 mẫu xe EV đầu tiên của hãng tại triển lãm LA Auto Show. Theo đó, VinFast sẽ chào bán sản phẩm của hãng tại thị trường Mỹ với một mức giá cạnh tranh, cùng với mô hình cho thuê pin sáng tạo.
Thứ hai, việc xây dựng một trung tâm sản xuất các bộ phận của xe điện ngay từ đầu là một điều cần thiết. Cụ thể, nhờ sở hữu nguồn tài nguyên quặng niken khổng lồ, Indonesia đã đưa việc sản xuất pin trở thành mục tiêu chiến lược nhằm phát triển lĩnh vực sản xuất xe điện của quốc gia. Theo đó, Indonesia đã cấm xuất khẩu kim loại vào năm 2020 để bảo vệ ngành công nghiệp của mình.
Đồng thời, Chính phủ Indonesia đang cung cấp các ưu đãi để đạt được mục tiêu sản xuất 400.000 ô tô điện và 1,76 triệu xe máy điện, cũng như phá triển cơ sở hạ tầng cho xe điện vào năm 2025. Được biết, Hyundai Motors đang thành lập nhà máy pin ở phía Tây đảo Java với LG Energy Solution. Công ty này không chỉ đầu tư vào sản xuất xe điện mà còn hứa hẹn hỗ trợ phát triển các trạm sạc, cũng như tái chế pin đã qua sử dụng.
Còn tại Việt Nam, VinFast hiện đang xây dựng một nhà máy pin trị giá 174 triệu USD, dự tính ban đầu sẽ sản xuất 100.000 khối pin và tiến đến mục tiêu đạt công suất 1 triệu khối.
Bên cạnh đó, việc tái chế pin có thể trở thành một giải pháp thay thế khả thi cho các quốc gia không có tài nguyên kim loại hiếm, ví dụ như Singapore. Năm ngoái, Singapore đã khánh thành cơ sở tái chế pin chuyên dụng đầu tiên ở Đông Nam Á, với công suất tái chế 14 tấn pin lithium-ion mỗi ngày.
Cuối cùng, các doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa có thể nắm bắt cơ hội kinh doanh bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Điển hình, vào tháng 9/2021, tập đoàn dầu khí quốc gia PTT của Thái Lan đã thành lập một liên doanh sản xuất xe điện với Foxconn, nhà lắp ráp Apple của Đài Loan (Trung Quốc).
Theo đó, một nhà máy mới sẽ được xây dựng tại Hành lang kinh tế phía Đông của Thái Lan. Dự kiến, nhà máy sẽ sản xuất 50.000 xe điện mỗi năm khi bắt đầu hoạt động vào khoảng năm 2023 hoặc 2024, và sản lượng cuối cùng sẽ tăng lên 150.000 chiếc. Chính phủ Thái Lan hy vọng rằng những dự án này sẽ giúp các nhà cung cấp địa phương chuyển đổi dễ dàng hơn sang sản xuất linh kiện xe điện.
"Nhìn chung, Đông Nam Á vẫn có những lợi thế nhất định với tư cách là một trung tâm sản xuất giá rẻ toàn cầu. Cơ hội kinh doanh rất nhiều. Các quốc gia sẽ tiếp tục khuyến khích ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực kinh doanh rất hấp dẫn này. Về lâu dài, Đông Nam Á sẽ trở thành trung tâm sản xuất xe điện giá rẻ của thế giới", Hirotaka Uchida nhấn mạnh.
Nguồn: The Business Times