Trong 10 năm qua, xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) giữa các nhà đầu tư Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam ngày càng bùng nổ, với hàng tỷ USD vốn Nhật mua cổ phần doanh nghiệp Việt. Đáng chú ý, bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 2 khu vực Đông Nam Á về cả giá trị lẫn số thương vụ M&A từ công ty Nhật Bản.
Nguồn: RECOF
Lý giải về điều này, ông Masataka Sam Yoshida - Tổng giám đốc RECOF, công ty tư vấn mua bán và sáp nhập cho các doanh nghiệp Nhật Bản cho hay, do sự khác biệt về quy mô doanh nghiệp, nên trước đây, Việt Nam hầu như không nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu về các giao dịch M&A từ doanh nghiệp Nhật Bản.
Nhưng vào năm 2020, mặc dù số lượng giao dịch giảm, nhưng giá trị giao dịch đã đạt tới 416 triệu USD, gấp 2,95 lần so với năm 2017. Ngoài ra, vào năm 2021 đã có một giao dịch lớn giữa SMBC Consumer Finance và VP Bank, cùng với xếp hạng về số lượng giao dịch, Việt Nam đã củng cố vị trí thứ 2 trong khu vực.
"Nhìn chung, chúng ta có thể nói rằng sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhà Bản đối với Việt Nam tiếp tục ở mức cao", ông Sam Yoshida cho biết.
Cùng với đó, đại diện RECOF cho rằng, đầu tư vào Nhật Bản sẽ "chảy đều đặn" vào Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam là quốc gia thứ 6 trong danh sách các điểm đến M&A của Nhật Bản, bất chấp tình hình đại dịch diễn biến phức tạp vừa qua.
"Mặc dù khi so với Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn ở khoảng cách tương đối xa, song với tình trạng Ấn Độ, và đặc biệt là Trung Quốc là hai quốc gia đứng thứ 4 và thứ 5 thường 'lên xuống thất thường' mỗi năm, thì Việt Nam sẽ có khả năng cao tăng hạng trong thời gian tới".
Theo đó, ông Sam Yoshida cũng đưa ra một số lý do:
Đầu tiên là việc các công ty Nhật Bản cần tìm kiếm thị trường mới, để mở rộng bên ngoài Nhật Bản. Hầu hết các lĩnh vực ở Nhật Bản đều đã phát triển hết mức, một phần khi 29% (gần 1/3) dân số Nhật Bản trên 65 tuổi. Điều này đang khiến độ tuổi trung bình của người Nhật là 48,4 tuổi (hơn tuổi trung bình của Việt Nam gần 20 tuổi).
Yếu tố thứ hai là "chiến lược tăng trưởng M&A", được hỗ trợ bởi nguồn tiền tích luỹ dồi dào trong 20 năm qua, đạt mức 2.118 tỷ USD dưới dạng tiền gửi ngân hàng. Do áp lực ngày càng lớn từ các cổ đông, dòng tiền này đã bắt đầu đổ vào thị trường M&A trước hết ở thị trường nội địa, giúp lập kỷ lục cao nhất vào năm 2021, với ước tính 4.240 thương vụ cho tất cả các ngành kinh doanh.
Cuối cùng, ông Sam Yoshida cũng chỉ ra một số lĩnh vực sẽ được các doanh nghiệp Nhật Bản tập trung vào đầu tư ở Việt Nam từ năm 2022 trở đi, bao gồm: logistics, xây dựng/ kỹ thuật, nhà ở/ khu dân cư, thương mại điện tử, và năng lượng tái tạo.