Song, đại dịch Covid-19 xảy ra, biên giới đóng cửa đã làm chậm lại quá trình M&A này. Liệu sau khi dịch qua, thị trường này sẽ tiếp tục bùng nổ với nhu cầu bên bán và bên mua đều tăng? Trí thức trẻ đã có buổi trao đổi với ông Masataka Sam Yoshida - Tổng giám đốc RECOF, công ty tư vấn mua bán và sáp nhập cho các doanh nghiệp Nhật Bản, về vấn đề này.
Ông nhận xét ra sao về xu hướng các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam thời gian qua?
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Nhật Bản, hay kể cả làn sóng dịch mới tại Việt Nam gần đây, thì tôi đánh giá các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn quan tâm đến Việt Nam.
Bằng chứng là nửa đầu năm 2021, có13 giao dịch M&A được công bố, Việt Nam đã đứng thứ 4 trong nhóm các quốc gia trên thế giới có doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, chỉ sau Mỹ, Singapore và Anh.
Trong những năm trước, Việt Nam đứng thứ 6, Đức và Trung Quốc dẫn trước. Tuy nhiên, với những đợt đóng cửa do đại dịch trong hơn một năm rưỡi vừa rồi, tôi cũng nhận thấy rằng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang dần giảm kỳ vọng. Tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.
Vì sao khi xét theo số lượng giao dịch, Việt Nam thuộc top 2 điểm đến M&A hàng đầu khu vực Đông Nam Á của các nhà đầu tư Nhật Bản; nhưng xét về giá trị, Việt Nam ít khi lọt vào top 3?
Thực tế thì Việt Nam chỉ đứng sau Singapore về số lượng giao dịch trong những năm gần đây. Xét tổng thể giá trị các giao dịch M&A, mặc dù Việt Nam được xếp ở vị trí thấp hơn so với các nước về giá trị thương vụ, nhưng điều quan trọng chính là vị trí của Việt Nam đã không ngừng tăng lên trong những năm vừa qua, và dẫn đầu nửa đầu năm 2021.
Một trong những thương vụ điển hình có thể kể đến như thương vụ 1,4 tỷ USD của SMBC (Nhật Bản) vào FE Credit.
Thực tế thì đây được coi là trường hợp ngoại lệ, nhưng nhìn chung, giá trị các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng tăng nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Bởi vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản mới có thể tự tin đầu tư những khoản lớn hơn trước đây rất nhiều.
Ông có thể điểm qua những giao dịch M&A lớn trong năm 2020 và đầu năm 2021?
Năm ngoái, đã có 23 giao dịch M&A giữa Việt Nam và Nhật Bản được công bố. Theo tôi nhớ, trong nửa đầu năm là 15 thương vụ, và cuối năm là 8. Trong vài năm qua, các thương vụ lớn nhất diễn ra đều thuộc lĩnh vực tài chính. Tôi có thể kể đến hai thương vụ điển hình. Một là thương vụ Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo đầu tư khoảng 173 triệu USD để tăng cổ phần vào Tập đoàn Bảo Việt, hai là khoản đầu tư của SMBC Consumer Finance vào FE Credit. Về lĩnh vực bất động sản, thực ra cũng có một vài thương vụ nhưng nhìn chung, hoạt động M&A trong ngành này thời gian qua đã kém sôi động hơn những năm trước.
Làn sóng dịch lần này đã ảnh hưởng ra sao đến các hoạt động M&A tại Việt Nam?
Tôi nghĩ tác động lớn nhất đến từ quy định về đóng cửa biên giới và các hạn chế đi lại. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động M&A xuyên biên giới, đặc biệt là các nhà đầu tư mới tại Việt Nam. Trong khi đó, các nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt chú ý đến việc gặp gỡ, chủ yếu là với chủ sở hữu và đội ngũ quản lý, cũng như xem xét nhà máy, văn phòng, cửa hàng… trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Những yếu tố này còn quan trọng hơn nữa đối với các nhà đầu tư chưa bao giờ đến Việt Nam.
Theo tôi thấy thì trong năm 2020 và 2021, hầu hết các giao dịch đều đến từ các tập đoàn lớn của Nhật Bản có cơ sở tại Việt Nam, chẳng hạn như các công ty thương mại và tổ chức tài chính lớn, hoặc đến từ doanh nghiệp Nhật Bản có kinh nghiệm mua lại công ty Việt Nam trong quá khứ.
Ngoài ra, dịch bệnh còn khiến quá trình đàm phán kéo dài hơn bình thường. Có những thương vụ tôi nghĩ rằng đến hiện tại không đi vào đâu chỉ vì các bên chưa có cơ hội gặp trực tiếp.
Mặt khác thì ngay trong đại dịch, phương thức đàm phán các giao dịch M&A cũng đã thay đổi rất nhiều. Các doanh nghiệp cũng tận dụng việc họp trực tuyến và công nghệ số. Tôi nghĩ là sau khi dịch qua đi, sẽ có một làn sóng "ồ ạt và bùng nổ" của các nhà đầu tư Nhật Bản, những người đang phải chờ "ngoài cửa" trong thời gian vừa rồi.
Điều này cũng có nghĩa rằng Việt Nam cần được định vị tốt hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, bởi sự cạnh tranh sẽ ngày càng mạnh mẽ.
Trong 6 tháng đầu năm nay, hoạt động M&A tại các khu công nghiệp và doanh nghiệp logistics tăng mạnh. Điều gì đã thúc đẩy làn sóng này?
Đầu tiên, không thể phủ định rằng thị trường logistics và bất động sản công nghiệp ở Việt Nam đang ngày càng có tiềm năng, và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang cũng đã thúc đẩy xu hướng này, khi mà hang loạt doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc và sang khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt hơn nữa, trong khu vực, Việt Nam đã nổi lên so với nhiều nền kinh tế khác, không chỉ bởi vị trí địa lý, mà còn về các chỉ số kinh tế vĩ mô chính như: tăng trưởng kinh tế cao liên tục, chi phí lao động cạnh tranh, ưu đãi thuế thuận lợi, môi trường chính trị ổn định và khu vực thương mại điện tử đang bùng nổ…
Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia một số hiệp định thương mại tự do, và hàng loạt doanh nghiệp khổng lồ trong nhiều lĩnh vực chọn Việt Nam là những dấu hiệu cho thấy sự hấp dẫn của quốc gia về đầu tư và mở rộng kinh doanh. Từ đó, nhu cầu về các khu công nghiệp, cũng như hoạt động logistics tại đây lại càng lớn hơn nữa.
Ngay cả khi Chính phủ Nhật Bản triển khai chương trình Hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài trong giai đoạn dịch vừa rồi, nhằm khuyến khích các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất ở nước ngoài tới Đông Nam Á hoặc trở về Nhật Bản, thì một nửa trong số danh sách các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam.
Với tiềm năng như tôi đã đề cập, các nhà đầu tư sẽ không ngần ngại tham gia vào thị trường bất động sản công nghiệp và logistics của Việt Nam, ngay cả trong thời kỳ đại dịch đi nữa. Chúng ta cũng đã thấy nhiều nhà đầu tư lớn trong nước, cũng như các nhà phát triển logistics nổi tiếng trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam.
Vậy cách thức tiếp cận của họ là gì? Thực tế, M&A từ lâu đã là một chiến dịch kinh doanh phổ biến đối với doanh nghiệp muốn mở rộng sang các thị trường mới. Và khi đến Việt Nam, thì xu hướng này thậm chí còn phổ biến hơn.
Lý do đơn giản là các đối tác nước ngoài của doanh nghiệp thường có nguồn lực về vốn, công nghệ và nhiều yếu tố khác… để đáp ứng nhu cầu trong kho bãi và logistics. Có thể thấy, các bên có thể tận dụng để khai thác hết tiềm năng của mình.
Ngoài ra còn các lĩnh vực nào theo ông đã tăng mạnh hoạt động M&A thời gian vừa qua? Vì sao lại có sự thay đổi này?
Năm 2020 và nửa đầu năm 2021 chắc chắn là giai đoạn vô cùng khó khăn với làn sóng mới của dịch bệnh Covid-19. Các giao dịch đã sụt giảm ở mức nghiêm trọng, chủ yếu do môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều bất định, kèm theo hạn chế đi lại.
Tuy nhiên, có một điểm sáng đáng khích lệ đó là Việt Nam vẫn tiếp tục được kỳ vọng là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất châu Á. Các thương vụ M&A cũng đã thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng lâu dài của Việt Nam hậu đại dịch.
Tôi thấy rằng các lĩnh vực công nghệ, chăm sóc sức khoẻ và dịch vụ tài chính tương đối sôi động đối với các nhà hoạch định thương vụ. Covid-19 phần nào đã thúc đẩy nhu cầu của các dịch vụ số và công nghệ cơ bản.
Do đó, M&A, hay chúng tôi thường gọi là mua thay vì xây dựng (buy over build) đang là cách tiếp cận phổ biến của doanh nghiệp, nhằm nhanh chóng điều chỉnh theo "quy luật bình thường mới".
Xu hướng này xảy ra không chỉ ở những "gã khổng lồ" công nghệ, mà còn cả những công ty phi công nghệ, hay những doanh nghiệp vừa và nhỏ, muốn mở rộng phạm vi hoạt động.
Một xu hướng mạnh mẽ nhất mà ai cũng chứng kiến thời gian qua chính là lĩnh vực fintech và thương mại điện tử. Khi hành vi của người tiêu dùng thay đổi, loạt startup trong lĩnh vực thanh toán số và thương mại điện tử đã huy động được hàng triệu USD từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới.
Lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cũng không kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, đặc biệt là ở các phân ngành như thiết bị bảo vệ cá nhân, dược phẩm… Phân khúc sản xuất cũng đang phát triển và sôi động nhờ nhiều công ty đa quốc gia chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc. Song nhóm doanh nghiệp này hiện đang ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực xanh, hơn là M&A.
Đâu là trở ngại lớn nhất ông thấy các doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp phải trong hoạt động M&A tại Việt Nam?
Ngoài thách thức về cạnh tranh gia tăng giữa những nhà đầu tư từ các nước khác nhau, thì quy định và các nguyên tắc vẫn là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Áp lực về các tiêu chuẩn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, ngày càng tăng chứ không hề giảm.
Thực chất thì về vấn đề này, tôi cho rằng các nhà đầu tư Nhật Bản nên học cách điều chỉnh khác biệt đối với thực tiễn địa phương ở Việt Nam. Nhất là khi các hoạt động kinh tế phục hồi sau đại dịch, sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng gay gắt, trở ngại này sẽ càng lớn hơn.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch hiện nay, ông đánh giá ra sao về triển vọng hoạt động M&A thời gian tới. Vì sao lại như vậy?
Về dài hạn thì tôi vẫn tin vào triển vọng của thị trường M&A Việt Nam. Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế không thay đổi, cộng với sự gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm các lĩnh vực như logistics, đã phản ánh sức mạnh tâm lý của các nhà đầu tư.
Mặc dù Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Covid-19 muộn hơn so với các nước khác, nhưng nhìn chung các nhà đầu tư vẫn tin rằng Việt Nam sẽ sớm phục hồi sau đại dịch, và các khoản đầu tư vào thị trường đang phát triển này sẽ không trì hoãn, hay giảm tốc độ.