JICA đã có phản hồi về mức lương tư vấn của chuyên gia Nhật trong các dự án dùng vốn vay Nhật Bản tại Việt Nam, ước khoảng 700 triệu đồng/tháng (chưa tính phụ cấp), theo báo cáo của Bộ Tài chính.
Mức lương này được Bộ Tài chính nhận định là cao hơn 20 – 25% so với lương tư vấn nước ngoài bình quân trong các dự án vốn vay ODA.
Con số 700 triệu đồng/tháng là không chính xác, JICA phản hồi. Nguyên nhân là lương thực tế hàng tháng được dựa trên kết quả lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu cạnh tranh.
Đại diện JICA cho biết việc đưa ra các hướng dẫn về đơn giá mục đích ước tính chi phí. Tuy nhiên, đơn giá cũng không thể nằm ngoài phạm vi cho phép. Bên cạnh đó, phía Việt Nam cũng như JICA luôn xem xét cẩn thận đơn giá này khi thẩm định.
Mức lương cho tư vấn trong hướng dẫn chung dành cho thẩm định được xác định dựa trên trình độ chuyên môn và kinh nghiệm toàn cầu. Vì vậy, JICA cho biết đây không phải là một đơn giá cố định.
Trong quá trình tham vấn, tổ chức này cho biết đã thảo luận kỹ lưỡng với phía Việt Nam về tính phù hợp của đơn giá với các định mức chi phí của Việt Nam, do đó, mức giá được áp dụng đa phần là giống với các dự án tương tự do các nhà tài trợ khác thực hiện tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo JICA, tỷ trọng của hoạt động tư vấn trong các dự án vốn vay ODA Nhật Bản không cao nên việc nói chi phí tư vấn làm cho tổng số tiền vay leo thang là không chính xác.
JICA cũng đồng ý với ý tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ thúc đẩy sự tham gia của các chuyên gia tư vấn địa phương trong các dự án ODA ở Việt Nam.
Liên quan đến ý kiến cho rằng tỷ lệ ưu đãi của các khoản vay bị sụt giảm so với thời gian trước, JICA cho biết, các điều khoản và điều kiện của vốn vay ODA Nhật Bản được thiết lập trên mức thu nhập của các nước (tổng thu nhập quốc dân trên đầu người). Sự hỗ trợ phát triển sẽ biến chuyển cùng với mức tăng thu nhập của nước tiếp nhận.
Như vậy, mức độ ưu đãi của các điều khoản và điều kiện của ODA Nhật Bản đã thay đổi khi mức thu nhập của Việt Nam được xếp hạng vào trung bình thấp.
Tuy nhiên, theo cơ quan này, sự gia tăng của lãi suất thời gian qua là rất nhỏ, từ 1,4% lên 1,5% cho các điều khoản không ràng buộc, đồng thời yếu tố không hoàn lại trong vốn vay ODA Nhật Bản theo cách tính của OECD - DAC vẫn còn cao.
Hơn nữa, mức độ ưu đãi của ODA Nhật Bản có thể được nhận thấy thông qua so sánh với các nhà tài trợ đa phương và song phương khác.
Từ tháng 7/2017, các nhà tài trợ đa phương đã dừng cung cấp các khoản vay ODA cho Việt Nam. Việt Nam "tốt nghiệp" các khoản vay IDA của World Bank vào tháng 7/2017 và sẽ "tốt nghiệp" các khoản vay hỗn hợp ODA và vay ưu đãi OCR của ADB vào tháng 1/2019.
Tuy nhiên, với việc thiết lập các điều khoản và điều kiện cho vay riêng, Nhật Bản vẫn tiếp tục cung cấp các khoản vay ODA cho đến khi Việt Nam "tốt nghiệp" hạng mục thu nhập trên trung bình (mức thu nhập quốc dân trên đầu người vượt 12.235 USD).
Cơ quan này cũng khẳng định, sau khi xem xét sự tăng trưởng kinh tế hiện tại, Việt Nam có thể tiếp tục sử dụng các khoản vay ODA của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ tới.