Theo South China Morning Post, TP. HCM hiện đang là một điểm nóng Covid-19 của Việt Nam, trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng. Thành phố này đã hai lần gia hạn lệnh giãn cách, chỉ cho phép người dân rời khỏi nhà vì những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm hoặc đến làm việc tại các cơ sở kinh doanh được phép hoạt động. Lệnh giới nghiêm cũng đã được áp dụng.
Các chốt kiểm dịch cũng được lập ra để hạn chế di chuyển. Các nhà chức trách đang cố gắng giảm bớt áp lực cho hệ thống bệnh viện bằng việc thí điểm cho phép F0 không có triệu chứng được cách ly tại nhà.
Đồng thời, Chính phủ đã cho phép các nhà máy trong các khu công nghiệp tiếp tục hoạt động nếu họ có thể cung cấp chỗ ở hoặc phương tiện đi lại để đảm bảo nhân viên về thẳng nơi cư trú sau giờ làm việc. Những công ty không thể đáp ứng các điều kiện phải tạm thời dừng hoạt động.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, 70.209 doanh nghiệp đã phải đóng cửa - tăng 24,9% so với cùng kỳ, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tương đương với khoảng 400 doanh nghiệp đóng cửa mỗi ngày. Hầu hết các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ, dưới 5 năm tuổi và trong các ngành thương mại và dịch vụ "liên tục bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát [Covid-19] gần đây, một báo cáo của Bộ cho biết.
Trong khi đó, có hơn 67.000 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 8,1% so với cùng kỳ, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, sửa chữa và bán lẻ ô tô, xe máy và xây dựng.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm của người dân thành phố. Ảnh: AFP
Gần 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động bị mất việc làm trong quý 2, khi làn sóng thứ tư ập đến Việt Nam. Những người trong độ tuổi từ 15 đến 24 chiếm 1/3 nhóm này, có khả năng ảnh hưởng đến triển vọng việc làm dài hạn của họ.
Tiến sĩ Phùng Đức Tùng, Chuyên gia kinh tế kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong của Việt Nam, cho South China Morning Post biết, tác động của làn sóng thứ tư là "rất đáng kể" so với các đợt trước, với những người dễ bị tổn thương nhất bao gồm người di cư lao động, lao động phi chính thức và những người làm việc những ngành không thể làm việc tại nhà, chẳng hạn như tài xế giao hàng.
Ông nói: "Họ bị ảnh hưởng nhiều nhất về sinh kế và họ không có phương án dự phòng". Chuyên gia này cũng đề xuất rằng: "Chính phủ cần hỗ trợ tiền mặt trực tiếp và thường xuyên cho những nhóm bị ảnh hưởng này, đồng thời cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho lực lượng y tế".
Bà Ngô Bảo Linh, điều phối viên tại Đường dây nóng Ngày Mai, một sáng kiến phi lợi nhuận có trụ sở tại Hà Nội, cho biết đã có nhiều lo ngại về tình trạng mất việc, ngừng việc ở Việt Nam. Bà nói: "Những yếu tố này này có ảnh hưởng đến mối quan hệ của các cặp vợ chồng vì ảnh hưởng đến tài chính gia đình, căng thẳng giữa các thành viên trong gia đình khi họ phải tương tác với nhau nhiều hơn [phải ở trong nhà - PV], xung đột thế hệ...".
Một người đàn ông tiêm vaccine Covid-19 tại một bệnh viện ở Hà Nội. Ảnh: EPA-EFE
"Việt Nam đang cố gắng đẩy nhanh việc triển khai vaccine. Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam cho đến nay đã nhận được hơn 10,7 triệu liều vắc xin và đang chờ thêm hàng triệu liều nữa thông qua Covax. Họ cũng đang đàm phán với các nhà sản xuất nước ngoài khác nhau để chuyển giao công nghệ vaccine, sản xuất vaccine trong nước và cho đến nay đã sản xuất một lô thử nghiệm Sputnik V của Nga", South China Morning Post viết.
Bà Bích Trần, Trợ lý tại Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington cho biết: "Điểm sáng chính là chính sách đối ngoại của Việt Nam, khi đã tặng khẩu trang và trang thiết bị y tế cho các nước khác từ khi mới bắt đầu đại dịch".
"Đổi lại, một số quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh và Đức, đã cung cấp hoặc hứa sẽ cung cấp cho Việt Nam hàng triệu liều vaccine phòng ngừa Covid-19" - bà Bích nói.