Nhiều quốc gia đang ngấm đòn và chật vật với lạm phát cao, nhưng tại Việt Nam vẫn thấp và vẫn trong mục tiêu kiểm soát đề ra từ đầu năm…
Hai kịch bản mà Bộ Tài chính vừa định hình cũng nêu triển vọng lạm phát cả năm nay sẽ được kiểm soát ở mức thấp.
Thực tế trên được nhìn nhận thế nào và áp lực đối với Việt Nam là không quá lo ngại?
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, người dân và doanh nghiệp tin tưởng vào sự phục hồi và phát triển của kinh tế Việt Nam, góp phần giảm lạm phát kỳ vọng
Khác biệt Việt Nam
Những thông tin cập nhật cho thấy lạm phát tiếp tục tạo thách lớn trên toàn cầu. Tại Anh, lạm phát lập kỷ lục mới trong 40 năm trong tháng 7 vừa qua, tăng lên 10,1%, từ mức 9,4% trong tháng 6; tại châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục 9,1% trong tháng 8/2022; tại Mỹ tăng 8,5% trong tháng 7/2022; hay gần gũi hơn tại Thái Lan đã tăng lên 7,86% trong tháng 8 và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 7/2008…
Trong khi đó, Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia có lạm phát thấp trên thế giới. Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 8 tăng 3,6% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,89%. Bình quân 8 tháng năm 2022, CPI tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,64%.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính, có nhiều lý do khiến lạm phát giữ của Việt Nam tăng rất thấp so với lạm phát tăng rất cao của nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
Thứ nhất, từ cuối tháng 6 đến nay, cùng với mặt hàng xăng dầu, giá nhiều loại hàng hóa như măng, sắt thép, thức ăn chăn nuôi… đang đà giảm.
Thứ hai, những chính sách điều hành cân đối vĩ mô của nền kinh tế, đặc biệt là hệ thống ngân hàng tài chính rất tốt.
“Đồng USD chỉ tăng 0,21% trong 8 tháng qua. Như vậy, đồng VND tăng tương ứng với đồng USD và đã tăng giá so với đồng EUR, Yên Nhật, Bảng Anh, NDT Trung Quốc, Won Hàn Quốc… Điều này cũng làm giảm áp lực lên lạm phát của Việt Nam”, ông Thịnh phân tích.
Thứ ba, 8 tháng đầu năm, giải ngân vốn FDI rất lớn, tăng trưởng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này có nghĩa là ngoại tệ Việt Nam nhiều, giảm áp lực tăng giá VND, từ đó kiểm hãm bớt lạm phát.
“Ngoài ra, Việt Nam cũng có mức tăng trưởng tốt, có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, và đầu tư mới vào nền kinh tế gần 160 nghìn doanh nghiệp trong 8 tháng vừa qua, tăng hơn 36 % so với cùng kỳ năm trước. Điều này thể hiện người dân, doanh nghiệp đã tin tưởng vào sự phục hồi và phát triển của kinh tế Việt Nam, khiến giảm lạm phát kỳ vọng”, ông Thịnh nhìn nhận.
Dự báo về mức lạm phát của cả năm 2022, PGS.TS. Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, áp lực lạm phát với Việt Nam hiện nay là do chi phí đẩy, chủ yếu là giá năng lượng. Do đó, nếu giá dầu thế giới không vượt 120 USD/thùng, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2022 dưới 4%.
Phân tích về giá dầu, ông Minh cũng cho rằng khả năng giá dầu tăng mạnh trở lại cũng không cao sẽ chỉ ở mức 90-120 USD/thùng. Bởi trên thực tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đang thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, khiến cho nền kinh tế giới giảm tốc, thậm chỉ có thể bằng 1/2 dự báo so với đầu năm. Điều này dẫn theo nhu cầu hàng hóa nguyên nhiên vật liệu cơ bản về xăng dầu giảm cho nên xăng dầu không thể tăng hơn.
“Với giá dầu ở mức 100 USD/thùng thì giá xăng tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn sẽ có nhiều dư địa để giảm. Theo đó, bức tranh lạm phát của Việt Nam những tháng cuối năm cũng sẽ rất khả quan”, ông Minh tính toán.
Theo PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, nếu giá dầu thế giới không vượt 120 USD/thùng, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2022 dưới 4%
Bốn nhóm yếu tố chính có thể khiến lạm phát tăng cao
Theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê nhận định, áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm là rất lớn. Việc đạt được 4% theo mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho năm nay là một thách thức rất lớn. Có bốn nhóm yếu tố chính có thể khiến CPI tăng cao trong các tháng cuối năm.
Thứ nhất, giá nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao mà Việt Nam là nước phải nhập khẩu khá nhiều phục vụ sản xuất nên việc nhập với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát toàn nền kinh tế.
“Đặc biệt là giá xăng dầu có nhiều biến động sẽ tác động đến mặt bằng giá nhiều hàng hóa quan trọng như xăng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải. Mà hiện nay giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore chiếm khoảng 70% giá cơ sở đối với xăng và khoảng 80% giá cơ sở đối với dầu cho nên việc giá thế giới tăng cao có tác động rất mạnh tới giá trong nước. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê thì giá xăng dầu cứ tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm”, bà Oanh thông tin.
Thứ hai, giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra. Mặc dù chúng ta có lợi thế là chủ động được về nguồn lương thực, thực phẩm ở trong nước, tuy nhiên cũng sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng khi thế giới đang có nguy cơ phải đối mặt với khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Thứ ba, kinh tế trong nước đang trong giai đoạn phục hồi rõ nét và cùng với các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ còn phục hồi mạnh mẽ hơn những tháng cuối năm, khi đó cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân sẽ tăng mạnh, các hoạt động dịch vụ cũng sẽ tăng cao như các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình, từ đó sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát.
Thứ tư, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế theo đúng lộ trình của Nhà nước cũng sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng, đặc biệt là việc áp dụng Khung học phí các cấp học của công lập theo Nghị định 81. Ngoài ra, từ 1/7/2022, việc tăng lương cũng sẽ có tác động làm tăng CPI.
“Tuy nhiên, đối với việc tăng lương là cần thiết ở thời điểm này, việc tăng lương sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp cơ cấu lại chi phí và là động lực để người lao động làm việc tốt hơn, nâng cao năng suất lao động, qua đó cũng sẽ bù đắp lại chi phí tăng lương của doanh nghiệp”, bà Oanh lập luận.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định 81 và giá dịch vụ y tế theo lộ trình để điều chỉnh cho phù hợp
Tránh tăng giá các mặt hàng nhà nước quản lý cùng một thời điểm
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam có mức độ hội nhập tương đối lớn, nên việc giá các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, đặc biệt là nhóm nhiên liệu, năng lượng trên thị trường thế giới tiếp tục tăng làm tăng giá nhiều nguyên, vật liệu nhập khẩu; chi phí vận chuyển, logistics tăng, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và tăng giá hàng hóa trong nước - điều này sẽ tạo áp lực lạm phát cho nền kinh tế.
Đáng quan ngại, nếu giá dầu trở lại vượt 120 USD/thùng thì việc kiểm soát lạm phát sẽ là thách thức với Việt Nam, khả năng lạm phát có thể trên 4%.
“Khi lạm phát tăng sẽ bào mòn tất cả lợi nhuận, doanh thu của người dân và doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế”, ông Thịnh quan ngại.
Vì vậy, ông Thịnh cho rằng cùng với điều chỉnh kịp thời công cụ thuế, giảm thuế đối với sản phẩm xăng dầu nhập khẩu nhằm ổn định giá, kìm hãm đà tăng của CPI cả nước trong khuôn khổ mục tiêu đã xác định thì cũng cần kiểm soát chặt chẽ giá sản phẩm hàng hóa đầu vào để hạn chế đà tăng giá bán, từng bước đầu tư tìm kiếm nguồn vật tư hàng hóa trong nước thay thế hàng nhập khẩu. Qua đó, hạn chế tác động từ hàng nhập khẩu giá cao của thế giới.
Trong khi đó, chuyên gia của Tổng cục Thống kê cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định 81 và giá dịch vụ y tế theo lộ trình để điều chỉnh cho phù hợp. Không điều chỉnh giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý vào cùng một tháng. Và khi điều chỉnh học phí cần điều chỉnh giãn ra giữa các địa phương để tránh tạo áp lực cao lên lạm phát.
“Về tổng thể, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát”, bà Nguyễn Thu Oanh khuyến nghị.