Ông Phú cho biết, nông sản Mỹ giá rẻ ồ ạt nhập về Việt Nam với số lượng lớn đồng nghĩa thêm một áp lực cạnh tranh nữa cho nông sản Việt.
Thực tế cho thấy, từ trước tới nay, về mặt chất lượng các sản phẩm nông sản nhập khẩu từ các nước được đánh giá cao bởi sự đảm bảo nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ việc kiểm tra tồn dư các chất độc hại trong sản phẩm, đảm bảo sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Đây là lý do vì sao dù giá thành cao, nhưng nông sản nhập khẩu vẫn chiếm lĩnh và thu hút người có thu nhập cao. Do vậy, việc giảm giá của nông sản Mỹ thời gian gần đây đặt ra thách thức lớn đối với sản xuất nông sản trong nước.
“Trước hết người tiêu dùng được lợi vì giá rẻ khi ăn tôm hùm đang giá tiền triệu giờ còn vài trăm nghìn đồng/kg, cherry hơn 200.000 đồng/kg… Nhưng liệu các sản phẩm giá rẻ đó có phải hàng Mỹ thật không vì cherry Trung Quốc cũng trồng được?”, ông Phú nói.
Ngoài ra, ông Phú băn khoăn, kỹ thuật kiểm soát chất lượng thế nào? Tất cả có phải hàng sạch không? Về cơ bản nếu nhập chính ngạch là tốt, có truy xuất nguồn gốc, có hóa đơn…
“Tôi thấy người chịu trách nhiệm kiểm tra hàng nhập khẩu tại cửa khẩu về chỉ cầm vài quả táo ngửi ngửi làm sao mà biết được chất lượng ra sao. Thêm nữa khi gửi mẫu về xét nghiệm, chưa xét nghiệm xong thì hàng đã vào rồi”, ông Phú nói.
Vị chuyên gia này cho rằng, bản chất cơ quan kiểm soát chất lượng trong nước không có máy kiểm tra. Tất cả gửi về trung tâm nhưng trong 2.000 chất không được phép, máy mới chỉ phát hiện ra vài trăm chất. Ngâm tẩm, tăng trọng, vi sinh vật… khó phát hiện ra. Thậm chí test nhanh tại chỗ cũng chỉ dừng lại việc phát hiện ra thuốc trừ sâu, còn ngâm tẩm gì bên trong không phát hiện được.
“Cả xe hàng vài chục tấn, làm sao kiểm định được hết. Chúng ta phải ký hiệp định song phương với các nước để kiểm định cả bên ngoài biên giới”, vị chuyên gia này nói.
Theo ông Phú: “Vấn đề đặt ra là sức ép cạnh tranh lớn, làm thế nào sản xuất trong nước phải mở rộng quy mô, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đặc biệt là dẫn kết được với hệ thống phân phối uy tín”.
Ông Phú phân tích thêm, sở dĩ nông sản của Việt Nam chưa chiếm lĩnh thị trường bởi sản xuất còn “tùy tiện”, kỷ luật thị trường kém, kiểm soát buông lỏng. Đơn cử, tình trạng phân bón giả có kết luận nhưng không xử lý... Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, và kéo theo ảnh hưởng kênh phân phối.
“Mặc dù hàng Mỹ giảm giá, nhưng theo đánh giá chung “Giảm giá chứ chưa phải là phù hợp túi tiền”. Bởi lẽ những mặt hàng nông sản này chỉ có ở những thành phố lớn, trung tâm thương mại và phù hợp với đối tượng có thu nhập khá trở lên”, ông Phú cho hay.