Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về việc chuẩn bị thẩm định các dự án vay Nhật Bản tài khóa 2018.
Tại báo cáo này, Bộ chỉ ra một số bất cập về căn cứ thẩm định, đàm phán khoản vay như xác định trị giá ngoại tệ trong tổng mức đầu tư, tỷ giá chuyển đổi, chi phí trượt giá... do pháp luật chưa quy định hoặc chưa rõ ràng. Trong đó, riêng phần định mức lương tư vấn nước ngoài trong dự án sử dụng vốn vay của Nhật Bản, Bộ Tài chính cho rằng rất cao, làm tăng chi phí trong các dự án.
Về việc chuyên gia Nhật đến Việt Nam muốn nhận lương 700 triệu mỗi tháng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết, Nhật Bản là một trong những quốc gia trả lương cao nhất thế giới. ODA là chương trình cho vay công, có thể chuyên gia người Nhật đang lấy mức lương bên nước họ để đòi hỏi mức lương này ở Việt Nam.
Chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Tư liệu
Những chuyên gia làm việc trong tổ chức ODA là những công chức mà lương của công chức thường không thể bằng với lương các doanh nghiệp tư nhân.
Do đó, lương 700 triệu 1 tháng có thể thích hợp cho những doanh nghiệp tư nhân nhưng so với doanh nghiệp công, thì đây là con số quá cao.
“Tuy nhiên, nếu những chuyên gia này có hiệu qủa lao động tốt, làm ra được nhiều thành tích cho các chương trình ODA của họ thì mức lương này có cao nhưng cũng phù hợp. Tất cả phải đánh giá qua hiệu quả công việc của chuyên gia mang lại” – TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Một trong những ràng buộc của ODA là quốc gia mà nhận được ODA có thể phải mua hàng hoá hoặc tuyển dụng những chuyên viên mà nước cung cấp ODA.
Đối với câu chuyện này, chúng ta dùng chuyên gia từ bên Nhật, phí tổn sẽ rất lớn, điều này dĩ nhiên là bất lợi.
Điều quan trọng khi đi vào đàm phán ODA phải hiểu được tất cả vấn đề liên quan, phải đàm phán một cách chặt chẽ, trong đó có điều khoản sử dụng nguyên vật liệu cũng như sử dụng chuyên gia của các nước cung cấp ODA.
"Vì vậy, chúng ta phải đàm phán trong nhiều trường hợp, đứng trước 2 sự lựa chọn: hoặc mình nhận vốn ODA mà họ cung cấp và phải chịu những điều kiện mà họ đưa ra hoặc phía ta không chấp nhận vốn đó.
Khả năng có thể đàm phán được rất thấp. Chính vì thế nên chọn lựa nhiều nguồn ODA khác nhau, để xem nguồn ODA nào ít điều kiện nhất và có lợi cho Việt Nam thì mình chọn" - TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.
Còn TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, mức lương yêu cầu mà phía Nhật đưa ra so với chuyên gia của các nước khác cao một cách khác thường.
Thực tế, tỉ lệ tiền lương chia cho các chuyên gia Nhật Bản ở các dự án ODA của nước này cao gần gấp đôi với nước khác.
Đây là vấn đề có lẽ phía Việt Nam nên thương thảo với phía Nhật để xem có cách giảm bớt các con số tương đương với các dự án khác của quốc tế khác.
"Điều kiện trong báo cáo Bộ Tài chính đã nêu, tuy nhiên Việt Nam nên đề nghị thoả thuận với Nhật những lập luận, căn cứ so sánh với các mức của nước khác để từ đó Nhật có thể cân nhắc hơn.
ODA của Nhật làm cho nước ta đến nay cũng có nhiều thành tích như Cầu Nhật Tân hay các công trình khác. Vấn đề ở đây là chi phí quá cao và việc trả nợ của Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Nhất là trong tình hình ngân sách của nước ta gặp khó khăn như thế này" - TS. Lê Đăng Doanh cho hay.
Hiện tại, Nhật Bản đang là đối tác phát triển cung cấp vốn vay ODA lớn nhất cho Việt Nam.
Tính đến 30.6 vừa qua, tổng vốn ký vay Nhật Bản là khoảng 23,76 tỉ USD, chiếm 26,5% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ.
Từ 1.10.2017, Chính phủ Nhật Bản điều chỉnh giảm mức ưu đãi, tăng lãi suất cho vay đối với Chính phủ Việt Nam. Cụ thể, lãi suất vay thông thường tăng từ 1,2% lên 1,5%, lãi suất ưu đãi áp dụng đối với khoản vay trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, giáo dục y tế, dạy nghề, môi trường, biến đổi khí hậu tăng từ 0,3%/năm lên 1%/năm.