Bà Phạm Chi Lan phát biểu tại buổi Tọa đàm: "Trên thực tế, ở nước ta, ai cũng biết và các doanh nghiệp vẫn thường nói: khoảng cách từ miệng đến tay xa vời lắm. Từ "miệng" tức là các chính sách được ban hành trên giấy, các quyết định, các tuyên bố chính sách được lãnh đạo các ngành, các cấp đưa ra, với thực tế thực hiện là "tay" thực hiện, thì khác xa nhau nhiều lắm. Người ta vẫn thường nói khoảng cách đó rất lớn. Chúng ta phải có công cụ khác để xóa khoảng cách giữa chính sách trên văn bản và việc thực hiện".
Theo bà Chi Lan, nếu nói cải cách theo hướng thị trường của Việt Nam bằng văn bản, nghị quyết thì có lẽ hoàn toàn không thiếu. Nhưng thực tiễn mới là vấn đề chính mà chúng ta cần phải xem xét thêm.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng, nếu nhìn vào cấu trúc doanh nghiệp ở Việt Nam, giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân vẫn có khoảng cách và chuyện phân biệt đối xử. "Có lẽ chúng ta vẫn luôn có sự ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước, thứ hai là đầu tư nước ngoài, đến tư nhân là không còn gì nữa" - bà Chi Lan khẳng định.
Theo hầu hết nghiên cứu của các cơ quan tổ chức về phân bổ nguồn lực thì khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn đang sử dụng 50% nguồn lực quốc gia. Chi tiêu thường xuyên của nhà nước vẫn chiếm đến gần 70% chi tiêu ngân sách. Nếu nhìn vào các chỉ số khác như đóng góp vào GDP của các thành phần kinh tế, thì có thể thấy được khu vực tư nhân chính thức của Việt Nam chưa bao giờ đạt được tới 10%.
"Một nền kinh tế mà khu vực tư nhân chính thức chưa chiếm đến 10% GDP thì làm sao gọi là kinh tế thị trường thực sự?" - chuyên gia này đặt câu hỏi.
Có nhiều con số, thực tiễn sẽ chứng minh rõ hơn mức độ kinh tế thị trường của Việt Nam như thế nào. Các đánh giá đưa ra đang xếp Việt Nam ở mức trung bình nhưng bà Chi Lan cho rằng trên thực tế thì Việt Nam chưa đạt được mức trung bình.
Bà Chi Lan cũng cho rằng, chúng ta đổi mới lần đầu tiên cách đây hơn 50 năm, quyết định đi theo kinh tế thị trường, giúp cho đất nước thoát nghèo, trở thành nước thu nhập trung bình thấp. Muốn vượt mức trung bình thấp để trở thành mức trung bình rồi lên đến trung bình cao thì thực sự cần một cuộc đổi mới lần hai. Nếu như chỉ là những cải cách trên giấy tờ và không có đột phá thì khó có thể đạt được mục tiêu chúng ta đang khát khao, là trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao, tiến tới việc trở thành một nước thu nhập cao.
"Đây là khát vọng hết sức chính đáng mà chúng ta có cơ sở, có nguồn lực để có thể làm được. Vấn đề là phân bổ lại nguồn lực như thế nào để sử dụng hiệu quả nhất" - bà Lan khẳng định. "Có lẽ một trong những mấu chốt của kinh tế thị trường Việt Nam là do việc phân bổ nguồn lực ở Việt Nam. Nếu như phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả hơn thì chắc chắn kết quả sẽ khác hẳn".