Bước qua quý đầu năm 2019, lãi suất huy động trên thị trường vẫn đang neo ở mức cao, nếu có giảm thì cũng giảm nhẹ ở một số ngân hàng so với cao điểm cách đây 2 tháng. Lãi suất huy động cao thì người gửi tiền vui nhưng cũng dẫn tới nhiều lo ngại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy lãi suất có phải là câu chuyện lớn nhất trong quá trình các DNNVV tìm đến các TCTD để vay vốn?
Là người trong cuộc, bà Đinh Vân Trang, Phó TGĐ công ty Khang Nguyên cho biết, nhìn chung lãi suất quả thực có tăng trong thời gian qua.
Bà Đinh Vân Trang
"Ngân hàng có công bố mức lãi suất và đưa ra một số điều kiện để áp dụng được chương trình giảm lãi suất. Doanh nghiệp chúng tôi năm ngoái được áp dụng chương trình ưu đãi này, nhưng năm nay thì đã có một khoảng thời gian tăng lên, tuy nhiên không dài. Nhìn chung lãi suất có tăng nhẹ và không ảnh hưởng quá nhiều" - bà Trang nói tại buổi tọa đàm về Tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ vừa vừa do CafeF phối hợp Báo Trí thức trẻ tổ chức chiều 17/4.
Bà Trang cũng cho rằng, lãi suất không phải là mối quan tâm đầu tiên của doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả với lãi suất cao hơn để được có vốn nhanh và đáp ứng được cho hoạt động kinh doanh.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, yếu tố gây khó khăn cho DNNVV rất nhiều, tín dụng chỉ là một. Dù lãi suất tác động không nhiều nhưng vẫn là điều khó khăn, bà cho rằng lãi suất cho vay ở Việt Nam hiện nay còn cao hơn các nước khác. Thực tế việc tiếp cận tín dụng và mức lãi suất phụ thuộc nhiều vào bản thân doanh nghiệp và sự đánh giá của ngân hàng.
"Ví dụ như doanh nghiệp Khang Nguyên đã được hưởng nhiều ưu đãi, chỉ bị đứt đoạn trong thời gian ngắn. Đó là điều đáng quý, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được như vậy. Và đông đảo DNNVV của Việt Nam đa phần không được như vậy", bà Lan nói.
Và theo vị chuyên gia này, ngay cả việc đứt đoạn như của doanh nghiệp của bà Trang cũng khiến cho doanh nghiệp trở nên lo lắng, không biết khi nào mới lại được như cũ, tạo thành thế không ổn định để đầu tư. "Muốn cho người ta làm ăn dài hạn, có tầm nhìn, nếu tiếp cận tín dụng khó, lãi suất chập chờn sẽ khiến cho doanh nghiệp khó lòng đi xa hơn", bà Lan cho biết.
Theo ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng Giám đốc ABBank, các ngân hàng có các chương trình hỗ trợ DNNVV nhưng ngân hàng vẫn là ngành kinh doanh rủi ro và chỉ chọn những khách hàng mà họ cảm thấy yên tâm. Ông cho rằng, vấn đề tiếp cận vốn của các doanh nghiệp liên quan chủ yếu tới nội lực của họ và đa số DNNVV hiện nay thực lực còn rất yếu, dễ thấy nhất là tỷ lệ doanh nghiệp bị đóng cửa rất cao.
"Lãi suất cũng tùy thuộc vào từng lĩnh vực, ngành nghề. Khi đi vay với một mức lãi suất thì lãi suất này phải nhỏ hơn tỷ suất lợi nhuận đạt được. Lĩnh vực rủi ro cao thì lãi suất phải cao, rủi ro thấp thì lãi suất thấp", ông Hiếu nói thêm. Theo ông cho biết, ở ABBank, ngân hàng đang nỗ lực để tìm các biện pháp hiểu khách hàng hơn để đánh giá được rủi ro, đồng thời tìm kiếm những nguồn vốn giá rẻ đầu vào để thiết kế cho DNNVV các gói ưu đãi.
Trong khi đó, ông Trần Văn Tần – Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN cho biết, theo thống kê, lãi suất ngắn hạn hiện phổ biến từ 6-9%, trung dài hạn 9-11%. Ông cho rằng đây là mức lãi suất phù hợp vì bản thân các TCTD cũng phải đi huy động rồi cho vay. Cơ quan quản lý cũng phải đảm bảo giải pháp an toàn cho các TCTD. Tuy nhiên, DNNVV vẫn là những đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của NHNN, và quy định trần lãi suất ngắn hạn cho các doanh nghiệp này ở mức 6,5%/năm.
Lãnh đạo NHNN cũng nhận xét rằng, hiện nay, các ngân hàng cũng rất cạnh tranh với nhau trên phân khúc khách hàng này, theo đó lãi suất nhiều nơi cũng chỉ ở mức 5-6%/năm.
Tuy nhiên, theo ông, sở dĩ nhiều người DNNVV gặp khó về vay vốn là bởi thị trường vốn ở Việt Nam chưa phát triển nên gánh nặng nguồn vốn trung và dài hạn đang đổ lên vai hệ thống ngân hàng. Ông cung cấp thông tin, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế hiện nay là khoảng 7,3 triệu tỷ đồng, đây là một con số rất lớn.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, đừng thấy các doanh nghiệp hiện nay nói rằng lãi suất tác động không lớn mà cho rằng đã ổn. Vị chuyên gia cũng đồng ý với nhận định của ông Trần Văn Tần, về lâu dài Việt Nam vẫn phải cố gắng phát triển thêm nguồn vốn khác. Hiện trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán đang chưa phát huy được vai trò của mình.