Ông Lương Văn Khôi đã có những phân tích về những rủi ro mà Việt Nam có thể gặp phải trong diễn biến kinh tế quốc tế đang ngày một khó lường.
Đầu tiên về khả năng Việt Nam sẽ bị áp thuế. Theo vị chuyên gia này, một quốc gia nếu bị Mỹ áp thuế sẽ bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ. Việc đưa vào danh sách này dựa trên 3 tiêu chí: có thặng dư thương mại với Mỹ trên 20 tỷ USD, thặng dư cán cân thanh toán hơn 2% GDP, và có can thiệp một chiều liên tục vào thị trường ngoại hối.
Với Việt Nam, do chưa xảy ra tiêu chí thứ 3 – tức can thiệp liên tục vào thị trường ngoại hối nên Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.
"Gần đây dự trữ ngoại hối của Việt Nam tương ứng 14 tuần nhập khẩu. Theo IMF, phải trên 16 tuần, do vậy Việt Nam vẫn trong ngưỡng an toàn", ông nói.
"Khả năng Mỹ áp thuế cho Việt Nam sẽ không có", ông Khôi khẳng định.
Thứ hai là về vấn đề nền kinh tế trên 94 triệu dân có thể trở thành điểm đến đầu tư nhằm lẩn tránh tác động của chiến tranh thương mại.
Theo ông Khôi, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể được hưởng lợi do lỗ hổng thị trường do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung để lại. Dù vậy, những lợi thế này sẽ biến mất và chuyển sang tác động tiêu cực trong trung và dài hạn.
"Ngoài ra nguy cơ do cuộc chiến tranh này không nằm ở những vấn đề thương mại mà nằm ở chuỗi cung ứng cũng như việc chuyển giao công nghệ", ông nói.
Về giải pháp, ông Khôi cho rằng nền kinh tế trong nước phải tiếp tục giữ được ổn định vĩ mô, kiểm soát và điều chỉnh linh hoạt tỷ giá trước đồng NDT mất giá.
"Chúng ta cần tăng cuòng biện pháp phòng vệ thương mại để ngăn hàng Trung Quốc tràn sang. Đồng thời cần kiểm soát chặt cũng như hạn chế dòng vốn FDI Trung Quốc, đặc biệt là những đơn vị lợi dụng Việt Nam lắp ráp rồi xuất khẩu sang Mỹ", Lương Văn Khôi nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, một điểm đáng chú ý của dòng vốn ngoại qua 6 tháng đầu năm là FDI từ châu Á tăng đột biến, khoảng 86%. Nếu luỹ kế đến hết tháng 6/2019 là 76%. Khu vực đầu tư châu Á bao hàm cả Trung Quốc.
Đầu tư từ Trung Quốc trong 5 tháng đạt 2,2 tỷ USD, đứng thứ 3 trên tổng số 95 quốc gia và vùng lãnh thổ có rót vốn vào Việt Nam. Trung Quốc cũng là quốc gia đứng thứ 7 về đầu tư nếu tính luỹ kế đén hết tháng 5/2019.
"Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, nhiều khả năng có sự chuyển dịch đầu tư khi Mỹ áp thuế cao với một số mặt hàng Trung Quốc. Các nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang châu Á, trong đó có Việt Nam vốn là nước có môi trường đầu tư hấp dẫn", ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói.
Không phân biệt nguồn gốc của dòng vốn, tuy nhiên ông Nội lưu ý cần phải hạn chế những dự án có chất lượng không cao, có ý đồ gian lận xuất xứ, tác động không tốt đến môi trường đầu tư kinh doanh.