Những bất ổn từ việc nhầm lẫn giữa quản trị và điều hành
Hiện nay, phần lớn các công ty ở Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến việc xây dựng một hệ thống quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế. Theo một báo cáo từ Bộ Công Thương, hiện Việt Nam chỉ có 23% lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ khái niệm và nguyên tắc của quản trị doanh nghiệp, còn đa phần vẫn nhầm lẫn giữa khái niệm quản trị và điều hành.
Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia thì việc một công ty có quản trị tốt hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đòn bẩy tài chính, hay đúng hơn là tác động không nhỏ đến nguồn vốn. Điều này cũng góp phần quyết định sự thắng bại của một doanh nghiệp.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế-Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, thời gian qua thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn chưa thể bứt phá để thu hút nguồn vốn mạnh mẽ do nhiều công ty chưa nhận thức được tầm trọng trong quản trị doanh nghiệp. Trong khi đó, đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để các nhà đầu tư cá nhân, các tổ chức quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Theo T.S Đinh Thế Hiển, một nhà đầu tư khi quyết định rót vốn họ đón đầu cơ hội mua kiếm lời, nhà đầu tư cá nhân nên quan tâm đến mô hình quản trị doanh nghiệp của một công ty. Các quỹ đầu tư giá trị, đầu tư lâu dài, để quyết định rót vốn họ sẽ quan tâm ban lãnh đạo của công ty đó ra sao, công ty có minh bạch hay không, ban lãnh đạo có đủ tầm để điều hành công ty ngày càng đi lên hay không.
Các quỹ đầu tư, nhà đầu tư càng có số vốn lớn họ càng yêu cầu đối tác phải minh bạch, uy tín, không khuất tất, bất hợp lý trong toàn bộ quá trình vận hành. Xét trên các yếu tố này, các công ty trên sàn chứng khoán nếu quản trị doanh nghiệp tốt chừng nào thì sẽ thu hút lượng vốn tỉ lệ thuận với uy tín của doanh nghiệp chừng đó.
Ngược lại, nếu công ty không có sự minh bạch, mâu thuẫn giữa các cổ đông càng tăng cao thì nguy cơ lượng vốn ngoại rút dần là điều tất yếu. Thực tế này đã diễn ra tại nhiều công ty. Điển hình là vào năm 2012, nhóm cổ đông nước ngoài do Red River Holding dẫn đầu, nắm giữ gần 50% Vicostone đã không có ghế trong HĐQT nên xảy ra nhiều mâu thuẫn nội bộ. Trong Đại hội cổ đông (AGM) 2012, 45% cổ đông đã không chấp thuận sửa đổi điều lệ để tăng số lượng thành viên HĐQT từ 5 lên 6. Kết quả là, nhóm cổ đông đã từ chối tất cả các đề xuất của HĐQT, cuối cùng, AGM 2012 đã thất bại. Vào tháng 6 năm 2014, các cổ đông nước ngoài do Red River Holding dẫn đầu, nắm giữ gần 50% Vicostone đã hoàn toàn rút lui và chuyển quyền sở hữu của họ cho nhóm cổ đông trong nước.
Hay trường hợp tương tự cũng xảy ra ở CTCP Everpia (mã chứng khoán EVE). Vào năm 2016, hai cổ đông ngoại Red River Holding (REDRIVER) và Temasia Capital Limited đều đã bán ra toàn bộ số cổ phần EVE đang sở hữu và không còn là cổ đông lớn của Everpia. Tổng số cổ phiếu 2 cổ đông ngoại này bán ra trên 3,85 triệu đơn vị tương ứng 14,03% vốn điều lệ của Everpia. Nguyên nhân là do những bất đồng giữa HĐQT với các cổ đông ngoại. Trước đó tại ĐHCĐ thường niên năm 2015 của Everpia, Red River và Temasia muốn thoái vốn khỏi Everpia không được, đã quay ra kiện Chủ tịch HĐQT EVE về một số vấn đề nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp.
Làm sao để tăng lượng vốn ngoại đổ vào Việt Nam
TS Đinh Thế Hiển cũng nói về vai trò của các giám đốc trên sàn chứng khoán NewYork. Trên sàn chứng khoán này không phải cứ công ty nào tốt, lợi nhuận cao là được đưa lên mà còn phải xét nhiều khía cạnh khác, trong đó quản trị doanh nghiệp sẽ thể hiện tính minh bạch, hiệu quả và khả năng thu hút vốn đầu tư dài hạn của các quỹ đầu tư.
Do đó, theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển để tăng cường huy động vốn từ bên ngoài – vay nợ, doanh nghiệp cần mở rộng quy mô công ty, tăng sự minh bạch, rõ ràng về mọi thứ, tăng cường chi tiêu vốn và duy trì cơ cấu tài sản hữu hình phù hợp với quy mô, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc khác, doanh nghiệp phải không ngừng cải thiện giá trị thị trường của doanh nghiệp và kiểm soát khả năng thanh toán, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp một cách hợp lý mới có thể thu hút nguồn vốn.
Không riêng gì Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, nhiều chuyên gia khác cũng đã từng nhận định rằng Quản trị doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn cho doanh nghiệp. Theo báo cáo năm 2019 của Morningstar, các quỹ đầu tư xem trọng yếu tố quản trị, đóng góp xã hội và hạn chế tác động môi trường đã đón nhận thêm 20,6 tỷ USD dòng vốn đầu tư mới, cao gấp 4 lần năm 2018, lập kỷ lục từ trước tới nay.
Bức tranh thu hút FDI của Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo đó, để thu hút đầu tư, yếu tố đầu tiên mà doanh nghiệp Việt phải cải thiện chính là công tác quản trị, mà cụ thể là hoạt động xây dựng Hội đồng quản trị (HĐQT) và ban điều hành doanh nghiệp vận hành một cách quy củ, minh bạch, cân bằng cũng như được kiểm soát quyền lực.
Về quy mô HĐQT có tác động tích cực lên đòn bẩy tài chính nên cũng cần phải thay đổi. Quy mô HĐQT lớn thường có xu hướng sử dụng nợ hơn là vốn chủ sở hữu. Do đó, doanh nghiệp cần gia tăng quy mô HĐQT góp phần mở rộng nhiều mối quan hệ hơn và có thể huy động vốn dễ hơn, đồng thời có thể tiếp cận với mạng lưới các giám đốc trong công ty để kiểm soát quá trình phân phối tài chính. HĐQT độc lập đều có tác động tiêu cực lên đòn bẩy tài chính. Ở Việt Nam, khi thị trường vốn phát triển và tạo ra những kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng thì việc tăng cường số lượng HĐQT độc lập càng trở nên cần thiết.
Ngoài ra, việc tập trung quyền lực của HĐQT có thể dẫn đến các quyết định sai lầm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tác động đến đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp và thậm chí có khả năng xâm phạm quyền lợi của các cổ đông khác. Do đó, việc phân tán quyền lực giúp các thành viên của công ty gia tăng mức độ liên kết, cam kết và hợp tác thực hiện chiến lược, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông nhỏ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, nhiều tài liệu chứng minh quản trị doanh nghiệp liên quan chặt chẽ hoạt động của công ty, triển vọng phát triển. Bởi chỉ riêng việc minh bạch, công khai sẽ có thể giúp nhà đầu tư rót tiền vào doanh nghiệp thay vì gửi ngân hàng.
Ông Chris Razook, phụ trách quản trị doanh nghiệp của IFC, khu vực Đông Á Thái Bình Dương khuyến nghị, Việt Nam cần làm nhiều hơn vào thời điểm này vì quá trình hội nhập châu Á đang đến gần. "Dù đang ở đâu, thực trạng doanh nghiệp như thế nào thì đều có thể đặt vào thang đo quản trị doanh nghiệp và chúng ta muốn hướng đến mức cao hơn tuân thủ. Khi có lợi ích cụ thể thì công tác thực hiện quản trị doanh nghiệp sẽ cán đích", ông Chris nói.
Có thể thấy, dù quản trị doanh nghiệp không phải là lời giải cho mọi vấn đề về quản trị công ty nhưng việc nhìn nhận đúng đắn và thực thi nghiêm túc các quy chuẩn trong quản trị doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch, tạo sự tin tưởng nơi nhà đầu tư, thu hút dòng vốn và chiếm lĩnh thị trường kinh doanh.