Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP. HCM hiện vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Theo đó, vừa qua, UBND TP. HCM đã có văn bản về việc dừng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.thành phố nếu không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, thành phố chỉ cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo một trong hai trường hợp: Doanh nghiệp phải đảm bảo được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm "3 tại chỗ: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ".
Đồng thời, doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm" chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).
Triển vọng chuỗi cung ứng toàn cầu trong quý 3
Trang Capital.Com đưa tin, giới chuyên gia lo ngại động thái này có thể tác động sâu rộng đến tiêu dùng nội địa của Việt Nam, cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. HCM, vừa qua có nhiều nhà máy ở trong khu đã tạm dừng hoạt động, hoặc thu hẹp sản xuất để phòng dịch. Cụ thể, vừa qua công ty PouYuen trụ sở tại TP. HCM đã có thông báo cho công nhân nghỉ đến hết ngày 23/7. Công ty Pouyuen Việt Nam chuyên sản xuất da giày cho các nhãn hàng lớn, có khoảng 56.000 lao động, là nhà máy đông công nhân nhất TP. HCM.
Ông Nguyễn Tiến Đức, chuyên gia phân tích thị trường tài chính tại BIDV Securities Hà Nội cho biết, việc buộc phải tạm đóng cửa hoạt động có thể làm đình trệ chuỗi cung ứng toàn cầu về hàng hóa và nguyên liệu thô trong quý 3 năm nay, đồng thời sẽ lạm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Ông Đức nói thêm, đợt lây nhiễm lần này khác hoàn toàn so với các đợt bùng phát trước đây. "15 ngày tới sẽ là giai đoạn quan trọng, quyết định liệu TP. HCM có thể xoay chuyển và khống chế dịch thành công hay không".
Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 tồi tệ nhất. Đáng chú ý, TP. HCM, trung tâm kinh tế của cả nước lại là tâm dịch của làn sóng lần này.
Vì sao sức dùng nội địa giảm lại ảnh hưởng tức thời đến TTCK Việt Nam?
Các tập đoàn có nhà máy tại TP. HCM phải tuân thủ hướng dẫn nghiêm ngặt cho Bộ Y tế đưa ra. Nick Ainsworth, Giám đốc marketing tại Dragon Capital, nhấn mạnh, mặc dù hầu hết các nhà máy tạm thời phải đóng cửa vừa qua thuộc các tập đoàn niêm yết ở nước ngoài, song việc đóng cửa cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến tiêu dùng, khi thu nhập người lao động giảm đáng kể.
Ông Nick Ainsworth nhận định thêm, nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi sức tiêu dùng nội địa. Do vậy, bất kỳ sự sụt giảm nào cũng sẽ ảnh hưởng tức thời đến thị trường chứng khoán nội địa.
Thực tế, chỉ số VN-Index của sàn chứng khoán TP. HCM (HOSE) đang suy giảm sau khi đạt kỷ lục cao 1.424,28 điểm vào hôm 2/7 vừa rồi. Chỉ số HOSE đã giảm 10% trong phiên đóng cửa cuối từ các mức cao kỷ lục trong chưa đầy hai tuần qua.
Sáng 15/7, chỉ số này đã có lúc giảm 0,1% về còn 1280,92 điểm. Chuyên gia phân tích Nguyễn Tiến Đức kết luận, chỉ số HOSE sẽ đạt lại mức trên 1.200 điểm trước khi tăng dần trở lại trong tháng 8 tới.