Nếu nhìn ở góc độ tài chính, đây là một tài sản rất đắt bởi bỏ ra 100 đồng mà mỗi năm chỉ có thêm 6-7 đồng nhưng muốn mua cũng không có ai bán. Nên đây chính là cơ hội cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và có tầm nhìn dài hạn về thị trường du lịch Việt Nam.
"Tôi nghĩ đây là một cơ hội rất tốt nếu chúng ta sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý, bởi vì các nhà đầu tư sẽ mất 1-2 năm để chờ thị trường du lịch hồi phục. Với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, tôi nghĩ đây là thời cơ tốt để lựa chọn sản phẩm đầu tư mà trước đây chúng ta không có cơ hội", TS Khương dành lời khuyên cho nhà đầu tư trong buổi toạ đàm do báo Dân Trí tổ chức mới đây.
Liệu sau dịch, mặt bằng giá BĐS có dễ thở hơn?, TS Sử Ngọc Khương cho rằng, đây là quy luật cung - cầu, khi có rất nhiều người muốn chuyển nhượng tài sản do sức ép về mặt tài chính và thị trường thì việc điều chỉnh giá cũng bình thường. Một tài sản có giá 100 đồng, nhưng không thể khai thác kinh doanh thu về 2-3 đồng, thì việc giảm xuống 80 đồng cũng là bình thường. Nếu 100 đồng mà mỗi năm, chúng ta có thể khai thác kinh doanh mang về 8-12 đồng thì là một mức đầu tư phù hợp. Nhưng bây giờ, việc vận hành lỗ, thì phải điều chỉnh giá bán xuống để phù hợp với bài toán tài chính trong trường hợp này.
Còn nhìn tổng thể của nền kinh tế và tất cả các loại hình của thị trường bất động sản, nếu đánh giá khu vực nào có lợi thế hơn là không công bằng. Tất cả các phân khúc bất động sản từ nhà ở, công nghiệp, văn phòng đến du lịch… đều được hưởng lợi, bởi vắc xin tác động sâu rộng đến mọi mặt, là yếu tố quyết định để đưa nền kinh tế và xã hội trở lại lại đời sống bình thường. Vừa qua Chính phủ đã nỗ lực rất lớn để đưa vắc xin đến được với tất cả người dân ở các khu vực và sắp tới là vắc xin cho trẻ em. Như vậy, theo ông Khương, bất động sản ở các khu vực đều sẽ được hưởng lợi từ chuyện này.
Chuyên gia Savills cho hay để "xuống tiền" với BĐS nghỉ dưỡng, mỗi nhà đầu tư có một tiêu chí riêng. Với bất động sản du lịch có một tiêu chí quan trọng mà chúng ta cần phải xem xét là pháp lý. Hiện tại luật chưa cho phép sở hữu condotel. Chúng ta phải xác định rõ mình có được quyền sở hữu tài sản trên đất trong 50 năm (có sổ hồng) hay chỉ là hợp đồng góp vốn, thuê đất có thời hạn với chủ đầu tư.
Về vị trí, nên mua ở khu vực mà người mua có thể ghé mỗi 2-3 tuần để nghỉ dưỡng, bên cạnh việc giao lại cho đơn vị điều hành để khai thác cho thuê.
Thứ ba là lợi nhuận từ condotel hoặc bungalow. Với dòng sản phẩm này, NĐT đầu tư vào không phải vì lợi nhuận mà bị phong cách sống. Chúng ta không thể đòi hỏi lợi nhuận vào bất động sản nghỉ dưỡng như bất động sản nhà ở.
Khi nói về bất động sản nghỉ dưỡng, ta thường nói đến bất động sản nghỉ dưỡng biển. Nhưng trên thế giới, người ta gọi chung là du lịch xanh, nghĩa là những bất động sản gắn liền với biển, sông, hồ, suối hoặc là núi đồi như ở vùng Tây Nguyên Tây Bắc. Với mục tiêu phấn đấu đạt 35 triệu lượt khách quốc tế và hơn 120 triệu khách nội địa, các cơ sở lưu trú phục vụ du lịch phải nhiều gấp đôi so với hiện nay. Điều đó có nghĩa là cần phải đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng rất lớn, mới đủ đáp ứng nhu cầu du lịch. Trong đó, phân khúc có thị phần tốt là bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, kết hợp với văn hóa ẩm thực và chuyển đổi số để đưa thông tin đến du du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, mới kéo dài thời gian lưu trú của du khách và tăng tỷ lệ khách quay lại.
"Trong bất động sản thì phân khúc sẽ bùng nổ trong thời gian tới là bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng biển. Việt Nam có 3.200 km bờ biển, nhưng thực ra sản phẩm nghỉ dưỡng là giới hạn. Nếu chúng ta không làm được con đường ven biển để khai thác hiệu quả 3.200 km bờ biển mà cắt khúc theo từng địa phương thì quỹ đất dành cho bất động sản nghỉ dưỡng sẽ còn hạn chế. Chúng ta có thể thực hiện xã hội hóa đầu tư, đấu thầu thực hiện con đường ven biển và những quỹ đất xung quanh. Và tôi tin rằng nhu cầu trong thời gian tới còn rất lớn", TS Khương nhấn mạnh.