Tại Talkshow Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8 mới đây, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đã có những đánh giá về tác động của gói kích thích tới nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.
BTV Mùi Khánh Ly: Việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trị giá 347.000 tỷ đồng bị chậm hơn so với kỳ vọng, theo ông điều này sẽ có tác động như nào đến nền kinh tế trong nửa còn lại của năm 2022?
Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Gói kích thích kinh tế có một số gói thành phần khác như gói hỗ trợ an sinh, gói phục hồi kinh tế và đặc biệt có một gói nữa với quy mô rất lớn liên quan đến đầu tư về hạ tầng. Và thực tế có rất nhiều các biện pháp hỗ trợ ví dụ như hỗ trợ tiền thuê nhà hay giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)…hay một số chương trình trong gói này cũng đã và đang triển khai. Như vậy, gói quy mô gần 350.000 tỷ này thật ra đã đi vào nền kinh tế, tuy nhiên mức độ giải ngân cũng như triển khai gói này còn chậm hơn so với chúng ta mong đợi.
Từ thời điểm mà gói hỗ trợ mới ra đời vào tháng 1/2022, chúng ta kỳ vọng nó sẽ được giải ngân và triển khai mạnh hơn ngay trong quý 1 cũng như quý 2. Tuy nhiên, giờ gần hết quý 2, điều đó cũng phần nào đấy ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ nền kinh tế nói chung. Tất nhiên, không có gói này nền kinh tế vẫn đang có sự phục hồi rất đáng kể, nhiều hoạt động trong quý 1 và hai tháng đầu của quý 2 có sự khởi sắc rất tốt.
Ví dụ hoạt động dịch vụ, đặc biệt du lịch đã khởi sắc mạnh mẽ; hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt trong tháng 5 và 5 tháng gần đây cũng tăng trưởng rất tốt vào khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng mức bán lẻ riêng trong tháng 5 tăng hơn 22% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy nền kinh tế vẫn đang có sự phục hồi.
Có một thực tế khiến nhà đầu tư lo lắng đó là dù gói kích thích chưa thực sự đi vào nền kinh tế nhưng lạm phát trong nước đang có dấu hiệu tăng rồi. Ông nghĩ sao về điều này?
Chúng ta cũng phải nhìn nhận lạm phát ở Việt Nam thời gian vừa qua nguyên nhân do chi phí đẩy, do nhiều yếu tố từ bên ngoài, đặc biệt yếu tố về năng lượng mà xuất phát từ cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine khiến giá dầu tăng nhanh, kéo theo giá lương thực và rất nhiều các nguyên vật liệu khác, điều này kéo theo chi phí của các mặt hàng gia tăng lên. Kèm theo đó là chuỗi cung ứng trên toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn phục hồi so với trước giai đoạn dịch bệnh Covid 19, làm cho các chi phí ở Việt Nam gia tăng.
Đặc biệt là giá xăng dầu, từ đầu năm đến giờ chúng ta đã trải qua khoảng 12 lần điều chỉnh giá so với giá ở thời điểm cuối năm 2021. Hiện, giá xăng bán lẻ ở thị trường nội địa đã tăng khoảng trên 35% và nó khiến cho lạm phát tăng trong giai đoạn gần đây. Tuy nhiên mức độ tăng cũng chưa nhiều lắm, có lẽ chúng ta cũng đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ giúp kìm mức tăng giá năng lượng. Điều đó giúp cho CPI bình quân trong 5 tháng vừa rồi tăng khoảng 2,25%. Mức này theo tôi vẫn chưa đáng lo ngại. Tất nhiên chúng ta cần phải kiểm soát và theo dõi chặt trong giai đoạn tới. Bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề trong quá trình triển khai gói phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng, đặc biệt là các hoạt động đầu tư công. Rất nhiều nguyên vật liệu trong ngành xây dựng cũng tăng giá rất mạnh thời gian vừa qua. Nếu không kiểm soát được lạm phát thì công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng như đẩy mạnh khơi thông, đẩy mạnh nguồn tín dụng ra cho các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn và sẽ tác động đến sự phục hồi của nền kinh tế.
Chúng ta đang bị lệch một nhịp so với nhiều nước, là khi họ bước vào thắt chặt tiền tệ thì chúng ta mới đang ở giai đoạn kích thích phục hồi kinh tế, vậy theo ông sẽ còn dòng tiền rẻ vào thị trường hay không?
Rõ ràng xu hướng tăng lãi suất ở trên toàn cầu đang diễn ra. Thật ra rất nhiều nhà đầu tư đặc biệt là các quỹ đã nhìn thấy xu hướng này từ lúc trước và từ năm 2020 trở lại đây họ bán ròng trên thị trường Việt Nam khá nhiều, họ đón đầu trước xu hướng về chuyện tăng lãi suất. Đối với dòng tiền từ nước ngoài rõ ràng dòng tiền với chi phí thấp như trước đây không còn nữa. Tuy nhiên, ở trong nước chúng ta cũng đang triển khai các gói hỗ trợ, đặc biệt là gói hỗ trợ 2% lãi suất mới triển khai. Gói hỗ trợ về lãi suất trong lần này sẽ rất khác so với thời điểm của năm 2009. Tôi cho rằng mức độ kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đối với dòng vốn này thì họ sẽ làm chặt hơn.
Năm 2009 thì cũng có một gói hỗ trợ về mặt lãi suất và sau đó lạm phát tăng lên rất cao. Với bài học trong quá khứ như vậy, tôi cho rằng gói hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước hiện tại sẽ được diễn ra với sự kiểm soát chặt chẽ hơn để đưa dòng vốn vào đúng với các đối tượng cần hỗ trợ và giúp nền kinh tế sẽ tránh được những bài học trong quá khứ. Còn tất nhiên trên thị trường hầu hết là các doanh nghiệp ở vị thế đầu trong những ngành kinh tế, sức chống chịu của họ trong hai năm đại dịch cũng như trong giai đoạn gần đây là rất tốt.
Trong quý 1, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn HSX và HNX tăng trưởng so với quý 1 của năm 2021 với mức tăng trưởng trên 30%. Điều đó cho thấy họ đang chống chịu rất tốt, thậm chí họ còn tận dụng được những cơ hội khi mà nền kinh tế thoát ra khỏi đại dịch và quay trở lại đà phục hồi. Mặc dù vậy, dòng tiền chiphí rẻ như trước đây không còn, tuy nhiên cơ hội trên thị trường chứng khoán vẫn còn.
Trong trung hạn thị trường vẫn có nhiều cơ hội
Ông dự báo, với các yếu tố kể trên thì nền kinh tế và thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2022 sẽ diễn biến như thế nào?
Quốc hội cũng như Chính phủ đã nhìn nhận được các vấn đề liên quan đến chuyện giải ngân các gói hỗ trợ này. Trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi kỳ vọng các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư công được triển khai mạnh hơn. Gần đây Bộ Giao thông vận tải cũng đã có những giải pháp quyết liệt như triển khai thay các nhà thầu kém năng lực, đặc biệt tại những dự án trọng điểm. Với những biện pháp mà quyết liệt như vậy, tôi cho rằng các gói kích kinh tế cũng sẽ được đẩy mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm cũng như là trong năm 2023 nữa. Những tác động của nó đến nền kinh tế sẽ nhìn thấy vào cuối năm.
Còn đối với thị trường chứng khoán sau một nhịp điều chỉnh khá mạnh trên 20% thì mức độ hấp dẫn của của rất nhiều nhóm cổ phiếu cũng đã quay trở lại. Tuy nhiên cơ hội bây giờ chúng ta sẽ phải chọn lọc hơn và nhà đầu tư sẽ phải kỹ càng hơn trong việc chọn lựa các cổ phiếu trước khi ra quyết định đầu tư. Về mặt trung hạn thị trường vẫn có nhiều cơ hội.
Vậy nhà đầu tư nên có chiến lược đầu tư như thế nào cho hiệu quả?
Rõ ràng trong giai đoạn hiện tại, chúng ta cũng gặp phải một số các rủi ro như lạm phát hay biến động từ thị trường chứng khoán quốc tế, do đó tôi cho rằng nhà đầu tư nên đầu tư cẩn trọng. Cẩn trọng trong việc ra quyết định đầu tư, đầu tư vào các ngành nào, nghề nào hoặc là mã cổ phiếu nào thậm chí trong một ngành cũng sẽ có sự phân hóa rất mạnh giữa các cổ phiếu trong ngành đó.
Thứ hai là chúng ta cần phải theo dõi sát các diễn biến liên quan đến vấn đề tăng lãi suất của FED, liên quan đến lạm phát ở bên ngoài có thể kịp thời hạn chế được các rủi ro nếu phát sinh trong giai đoạn tới.
Ở giai đoạn hiện tại một số các nhóm ngành như thủy sản, cảng biển, logictis, ngân hàng, là những những nhóm ngành mà nhà đầu tư cũng có thể xem xét. Nếu chúng ta có những nguồn tài chính dự phòng như vậy thì những nhịp sụt giảm có thể lại mua được những cổ phiếu tốt ở những vùng giá thấp tránh để rơi vào trạng thái hoảng loạn hoặc là chúng ta dùng giao dịch ký quỹ đi vay margin nhiều quá thì chúng ta lại phải bán ra khi thị trường giảm. Như vậy, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội trong những đoạn đó.