Phóng viên VOV thường trú tại Thái Lan phỏng vấn chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên, ông Shawn Ho. Ông Shawn Ho hiện đang nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề liên quan tới Triều Tiên tại Trường Rajaratnam thuộc đại học Nang Yang, Singapore.
Chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên, ông Shawn Ho.
PV: Ông có cho rằng Hội nghị lần này sẽ đạt được nhiều kết quả đột phá hơn so với kỳ họp lần thứ nhất tại Singapore hay không?
Chuyên gia Shawn Ho: Tôi cho rằng so với hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên diễn ra tại Singapore, chúng ta có thể trông đợi nhiều kết quả hơn đối với lần thứ 2 tại Việt Nam. Bởi như mọi người đã biết ở lần đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã đề nghị huỷ bỏ sau đó lại nối lại. Còn bây giờ, Triều Tiên và Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc họp ở cấp làm việc, cấp quan chức cấp cao kể từ cuộc họp lần thứ nhất tại Singapore.
Hai bên đã đàm phán về các vấn đề liên quan tới phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên và xây dựng niềm tin giữa hai nước trong hai tháng vừa qua. Đến nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 sẽ đạt được nhiều kết quả thuận lợi so với kỳ họp thứ nhất.
PV: Ông đánh giá như thế nào về triển vọng phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên?
Chuyên gia Shawn Ho: Đối với vấn đề phi hạt nhân hoá một cách hoàn toàn có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, Triều Tiên không thích vấn đề này và sau đó phía Mỹ đã thay đổi cụm từ này thành phi hạt nhân hoá đầy đủ và hoàn thiện.
Cá nhân tôi cho rằng hai bên sẽ đưa một tiến trình để cung cấp danh sách tên lửa liên lục địa của Triều Tiên. Phía Mỹ rất lo ngại những vũ khí này bởi chúng có thể tiếp cận tới các vùng lãnh thổ của nước này.
Nếu hai bên đạt được thoả thuận tháo rỡ các tên lửa liên lục địa thì sẽ là một tin tốt đối với Tổng thống Trump bởi như vậy ông ấy có thể nói với người dân Mỹ rằng mối nguy hại trực tiếp đối với nước Mỹ sẽ không còn hiện hữu.
PV: Theo ông liệu hai bên có thể đi tới một hiệp định hoà bình đi đến chấm dứt hoàn toàn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên ở hội nghị tại Hà Nội tới hay không?
Chuyên gia Shawn Ho: Tôi nghĩ rằng các bên tham gia ký hiệp định đình chiến cũng mong chờ hiệp định hoà bình này. Hiệp ước hoà bình này sẽ chính thức chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và thay thế hiệp ước đình chiến giữa hai bên vào năm 1953 và sẽ đem lại hoà bình thật sự cho bán đảo Triều Tiên.
Trong ngắn hạn một mục tiêu thực tế có thể đạt được trong hội nghị sắp tới là sẽ đưa ra một tuyên bố chính trị về việc chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, một tuyên bố như phía Hàn Quốc đã nhiều lần đề cập tới. Tuy nhiên đó lại là một tuyên bố không mang tính pháp lý.
PV: Vậy đàm phán 6 bên về vấn đề bán đảo Triều Tiên sẽ được nối trở lại?
Chuyên gia Shawn Ho: Vấn đề Triều Tiên không chỉ là câu chuyện giữa Triều Tiên với Mỹ mà nó còn là câu chuyện của Hàn Quốc, Trung Quốc và một phần là Nga cùng Nhật Bản. Sáu quốc gia này đều có vai trò trong việc giải quyết vấn đề hoà bình trên bán đảo Triều Tiên. Theo tôi chúng ta chưa thấy có dấu hiệu nào có thể dẫn tới đàm phán 6 bên sớm vì còn có nhiều bước phải triển khai trước khi nối lại đàm phán này.
Thậm chí nếu có diễn ra thì cũng nhất thiết không tổ chức theo mô hình cũ và tên cũ do Trung Quốc đứng ra tổ chức bởi vì quả thật bối cảnh tình hình hiện nay đã thay đổi một cách nhanh chóng kể từ khi đàm phán 6 bên chấm dứt.
Các bên tham gia đàm phán đều muốn có sáng kiến riêng của mình trong vấn đề này và muốn nó diễn ra như vậy.
Tôi biết có thông tin là lãnh đạo Triều Tiên chưa có cuộc gặp với Nga và Nhật Bản do vậy chúng ta nên chờ cuộc gặp này trước khi có hy vọng nối lại việc đàm phán 6 bên.
PV: Theo ông, Việt Nam có những lợi thế gì để được chọn là địa điểm tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Mỹ -Triều lần thứ 2 và những đóng góp của Việt Nam cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên?
Chuyên gia Shawn Ho: Có một vài thông điệp để giải thích cho cuộc gặp thứ hai diễn ra tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Đầu tiên đó là việc Việt Nam đã từng có cuộc chiến tranh với Mỹ cũng giống như Triều Tiên. Tuy nhiên, Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ với Mỹ sau chiến tranh và hiện giờ nó rất tốt. Nó chứng tỏ cho Triều Tiên thấy rằng, nước này và Mỹ cũng có thể tiến tới bối cảnh khác về quan hệ giữa những cựu thù và theo chiều hướng trở nên tốt đẹp hơn.
Thứ hai, quá trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam kể từ năm 1986 là một ví dụ thú vị cho Triều Tiên có thể nhìn vào để thay đổi mô hình kinh tế xã hội của mình.
Một lý do rất quan trọng khác đó là Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Triên. Cả hai nước đều có Đại sứ quán đặt tại Hà Nội. Với một cuộc gặp lớn như thế này thì sẽ cần rất nhiều các nghi thức ngoại giao, đảm bảo an ninh, hậu cần… các vấn đề này cần phải được sắp xếp. Việc có Đại sứ quán đóng trên địa bàn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sắp xếp này.
PV: Xin cảm ơn ông!