Chia sẻ tại Hội thảo mới đây, ông Nguyễn Duy Linh – Phó Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Cá nhân – chỉ ra 3 chiến lược dùng Chứng quyền đảm bảo (Covered Warrant – CW), bao gồm:
(1) Thực hiện hoá lợi nhuận (Cash Extraction): Trường hợp nhà đầu tư chứng khoán cơ sở đang có lợi nhuận và muốn thực hiện hoá lợi nhuận với danh mục hiện tại, dĩ nhiên tâm lý họ cũng không muốn mất đi cơ hội tăng tiếp theo của mã đang nắm giữ. Theo đó, số tiền lời sẽ dùng để mua CW mã hiện tại, phần còn lại thực hiện một số mục đích khác.
(2) Đa dạng hoá (Diversifying): Trường hợp nhà đầu tư không có nhiều tiền để mua nhiều cổ phiếu tốt, thông qua CW với đòn bẩy cao sẽ tạo điều kiện để xây dựng được một danh mục với đa dạng mã hơn.
(3) Kiếm lợi nhuận trên chênh lệch mua đi bán lại CW: Sau khi IPO, CW sẽ được lưu ký và niêm yết trên HoSE, được mua đi bán lại như cổ phiếu (T+2), giá CW lúc này biến động tương tự chứng khoán cơ sở… do đó nhà đầu tư có thể trade CW.
CW là cuộc chơi win-win giữa nhà đầu tư và CTCK
Nói thêm về giá CW, giá trần/sàn sẽ được xác định dựa trên biên độ dao động của chứng khoán cơ sở: Giá trần/sàn = Giá tham chiếu CW +/- biên độ dao động của chứng khoán cơ sở (7%)/tỷ lệ chuyển đổi.
Trong lúc giao dịch, giá CW sẽ bị tác động bởi các yếu tố như giá của chứng khoán cơ sở, các thông tin về kết qủa kinh doanh, cổ tức, sản phẩm mới của chứng khoán cơ sở, mức độ biến động của chứng khoán cơ sở, các thông tin vĩ mô như lãi suất, tỷ giá…
Chia sẻ thêm, ông Linh khuyến nghị nhà đầu tư muốn chọn CW thì tương tự cổ phiếu, phải xác định được doanh thu, lợi nhuận, EPS… cũng như nắm được triển vọng tương lai của các doanh nghiệp.
Đồng thời, nhà đầu tư cũng phải xác định thời hạn đầu tư phù hợp, có 2 trường hợp cần lưu ý (i) với CW thời hạn ngắn sẽ có mức giá rẻ tuy nhiên chưa đủ thời gian để phản ánh hết mọi thông tin, tiềm năng cổ phiếu, (ii) ngược lại với CW có thời hạn dài mức giá bỏ ra cao hơn nhưng đủ thời gian để mọi thông tin phản ánh hết vào giá.
Trả lời thắc mắc liệu CW có phải là cuộc chơi đối nghịch lợi ích giữa nhà đầu tư với CTCK, tức nếu nhà đầy tư lời thì CTCK lỗ, ông Linh khẳng định đây là giao dịch win-win. Bởi, khi CTCK phát hành CW thì song song phải mua lượng cổ phiếu cơ sở để hedging.
Thị trường CW sẽ vận hành từ ngày 28/6
CW là sản phẩm thông dụng trên nhiều thị trường chứng khoán phát triển, đặc biệt với những thị trường có nhiều đặc điểm tương thị Việt Nam như Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông hay Hàn Quốc. Trong đó, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia giao dịch lớn, chủ yếu là giao dịch ngắn hạn, có nhu cầu sử dụng công cụ đòn bẩy cao…
Chính thức được giới thiệu vào năm 2017, thị trường CW theo kế hoạch sẽ vận hành từ ngày 28/6/2019. Theo đó, một số CTCK sẽ bắt đầu chào bán CW lần đầu ra công chúng (IPO). Trong đó, theo công bố của HoSE, hiện có 26 mã cổ phiếu đủ điều kiện làm chứng khoán cơ sở cho sản phẩm CW, bao gồm CII, CTD, DHG, DPM, EIB, FPT, GMD, HDB, HPG, MBB, MSN, MWG, NVL, PNJ, REE, ROS, SBT, SSI, STB, TCB, VHM, VIC, VJC, VNM, VPB và VRE.
Riêng SSI, Công ty sẽ phát hành 6 mã chứng quyền có bảo đảm (CW) dựa trên 4 mã chứng khoán cơ sở gồm FPT, MWG, MBB và HPG, với các kỳ hạn từ 3 đến 6 tháng. Cụ thể, CW đối với FPT và HPG sẽ có 2 kỳ hạn là 3 tháng và 6 tháng, khối lượng mỗi loại là 1 triệu đơn vị; với MBB là 3 tháng với khối lượng dự kiến là 3 triệu đơn vị; với MWG là 6 tháng với 1 triệu đơn vị.
Theo quy định, điều kiện để các CTCK tham gia phát hành CW là vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tối thiếu 1.000 tỷ đồng, không có lỗ lũy kế, được cấp phép đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán. Các công ty này phải không bị đặt trong tình trạng cảnh báo, tạm ngừng hoạt động, đình chỉ hoạt động hoặc trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản, báo cáo tài chính của năm liền trước đã được kiểm toán bởi công ty kiểm toán được chấp thuận không có ngoại trừ. Ký quỹ chứng khoán cơ sở hoặc tiền để bảo đảm thanh toán cho đợt chào bán tại ngân hàng lưu ký không phải là người có liên quan.