Tại Talkshow Bí mật đồng tiền,ông Tô Xuân Nam, chuyên gia đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) chia sẻ rằng nếu phải chọn một từ khóa để nói về diễn biến thị trường hiện tại, ông chọn từ "bất ngờ". Thời gian vừa qua thị trường rất thận trọng với những yếu tố trên thế giới như rủi ro về kinh tế vĩ mô và lạm phát gia tăng trên nhiều thị trường như ở Mỹ. Trong tuần này, cuộc họp Jackson Hole, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những diễn biến bất ngờ.
Theo quan điểm của ông Nam, nhà đầu tư nhìn vào rủi ro cũng nên nhìn vào tiềm năng lợi nhuận, nghĩa là khi đầu tư vào môi trường nhiều rủi ro hơn, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ cao hơn. Bởi vậy, vị chuyên gia kỳ vọng vào những diễn biến bất ngờ và tích cực hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, BTV Hoàng Nam nhắc đến câu chuyện về báo cáo tài chính của các doanh nghiệp sau khi được kiểm toán, xuất hiện câu chuyện báo cáo soát xét và báo cáo thành lập khác nhau dẫn đến biến động thất thường trên các dòng cổ phiếu này. Đơn cử như SHS, L14 sau khi kiểm toán và báo lỗ đã bị cắt margin.
Bàn luận đến vấn đề này, vị chuyên gia từ SSIAM cho biết thường khi nhìn vào BCTC của các công ty, nhà đầu tư nên nhìn vào các quy chuẩn mà doanh nghiệp làm ra BCTC đó. Hiện nay, Việt Nam đang dần tiếp cận chuẩn báo cáo IFRS của thế giới và khi đó báo cáo sẽ trở nên đồng nhất, đồng bộ hơn và theo một chuẩn mực kế toán nhất định. Nhờ vậy, hiện tượng BCTC một đằng và báo cáo soát xét của kiểm toán lại ra một nẻo sẽ không còn.
Ngoài ra, ông Tô Xuân Nam cho rằng những việc không đồng nhất như vậy ở thị trường Việt Nam đã ít đi bởi các công ty đã bắt đầu tham gia hội nhập và dần theo quy chuẩn. Đặc biệt, các công ty lớn thường sẽ có chuẩn mực kế toán chỉnh chu hơn và các công ty nhỏ nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ hơn.
Đồng quan điểm, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI cho rằng cần đến kiểm toán để những nhà đầu tư thông thường không có khả năng đọc BCTC chờ kiểm toán ra sẽ phản ánh đúng hơn thực trạng của công ty. Tuy nhiều, ông Hưng chia sẻ nhiều người nói rằng sự khác nhau là từ quan điểm của bút toán người lập và kiểm định, dù sao có kiểm toán vào cuộc thì việc phản ánh tình hình công ty sẽ chính xác hơn.
Liên quan đến những số liệu thống kê về xuất khẩu tháng 7, BTV Hoàng Nam cho rằng có những lo ngại khi giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng đang giảm đặc biệt xuất khẩu sang thị trường lạm phát cao. Chuyên gia đến từ SSIAM nhìn nhận "trend" về xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường quốc tế đặc biệt là vào Mỹ trong 5 năm trở lại đây rất là tích cực. Việt Nam có sự giao thương buôn bán xuất nhập khẩu vào Mỹ xếp thứ 7 trên thế giới.
Khi mà rủi ro suy thoái Mỹ hoặc khủng hoảng tài chính do lạm phát tăng cao hay việc FED thắt chặt tiền tệ đã là câu chuyện xảy ra 3-4 tháng nay. Ông Nam cho rằng các nhà đầu tư nên nghĩ đến những sự bất ngờ tích cực, điển hình là con số lạm phát ở Mỹ trong tháng 7 đã có chiều hướng bắt đầu đi xuống. Do đó, NHTW Mỹ sẽ không còn nhiều động thái thắt chặt tiền tệ nữa, lạm phát đi xuống đồng nghĩa việc lãi suất sẽ giảm trong tương lai, tiếp tục là động lực kích cầu.
Mặc dù số liệu xuất khẩu tháng 7 có sụt giảm nhẹ, tuy nhiên các công ty VN nếu không xuất khẩu sang thị trường này sẽ tìm đường đưa sang thị trường khác thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia. Trong ngắn hạn, chuyên gia SSIAM cho rằng sẽ có những biến động về mặt xuất khẩu.
Song, trong dài hạn, xuất khẩu sẽ là câu chuyện cơ bản của nền kinh tế và trở thành xu hướng. Theo đó, xuất khẩu sẽ thúc đẩy không chỉ sản xuất công nghiệp, không chỉ là gỗ, cá tra, cá ba sa mà còn các mặt hàng công nghệ cao. "Đợt vừa rồi, tôi thấy LEGO quyết định xây nhà máy ở Việt Nam với giá trị tổng đầu tư hơn 1 tỷ USD. Khi Việt Nam đạt được những thành tự trong sản xuất và xuất khẩu như vậy, cùng với những chính sách của chính phủ để cải thiện môi trường, cánh cửa xuất khẩu tại châu Âu sẽ được mở rộng thêm chứ không chỉ dừng lại ở Mỹ", ông Nam chia sẻ.