Khẳng định này được ông Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Meta (công ty mẹ của Facebook - tại Hoa Kỳ) nêu ra tại họp báo công bố chương trình thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 vừa diễn ra tại Bộ KH&ĐT chiều 18/3.
Theo đại diện Meta, sau lần đầu tiên sang thăm Việt Nam vào 23 năm trước, đến nay Việt Nam đã có sự chuyển mình rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế rất mạnh mẽ, người dân có tinh thần khởi nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã trở thành đối tác tin cậy của các doanh nghiệp Mỹ.
"Việt Nam sẽ trở thành "con rồng" trí tuệ nhân tạo (AI), giúp thúc đẩy AI ở khu vực Đông Nam Á. Có nhiều lý do khiến cho tôi lạc quan về quan điểm trên", ông Rafael Frankel nói.
Theo lý giải của ông Rafael Frankel, Chính phủ Việt Nam rất cởi mở hợp tác kinh tế cùng nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ. Ông nhấn mạnh Meta sẽ tiếp tục hỗ trợ DN Việt Nam trong phát triển đổi mới sáng tạo và thúc đẩy AI, bán dẫn, giúp các DN trở thành làm đối tác của các DN Hoa Kỳ.
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nhấn mạnh, cùng với ngành bán dẫn, AI là một lĩnh vực nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Sự phát triển của AI không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà sẽ thay đổi cơ bản cách con người nghiên cứu, làm việc, sáng tạo nội dung và được dự đoán sẽ đóng góp hàng nghìn tỷ đô la vào kinh tế toàn cầu hàng năm, theo Báo cáo của McKinsey 2023.
Ông Đông cho rằng, trong làn sóng phát triển của AI, Việt Nam đã tích cực tham gia thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực này.
"Năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Đến nay, sau 2 năm triển khai, Việt Nam đạt được thành tựu đáng khích lệ, ghi nhận năm 2022, Việt Nam đứng thứ 55 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số sẵn sàng về AI, tăng 7 bậc so với 2021", ông Đông nhấn mạnh.
Hiện, Việt Nam đã có doanh nghiệp đạt đi vào nghiên cứu và có những thành tích ứng dụng trí tuệ nhân tạo như FPT, Viettel AI, VNPT AI, VIN AI,... Điều này chứng tỏ năng lực và vị thế của kỹ sư, chuyên gia Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ AI.
Đối với ngành bán dẫn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư. Bộ KH&ĐT đã phối hợp các Bộ ngành nghiên cứu, xây dựng Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" với mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030.
Tại họp báo, nhóm doanh nghiệp công nghệ tham gia vào Chương trình thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam quan tâm đến mục tiêu chiến lược của Việt Nam, kiến nghị Việt Nam cần có tầm nhìn chiến lược, xa và sớm xây dựng hành lang chính sách mở thông thoáng cho AI để doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng.
Ông Vũ Duy Thức, đồng sáng lập New Turing Institute & VietAI cho rằng: Đối với AI khi nghiên cứu và ứng dụng cần xác định giá trị cụ thể mà nó đem lại.
"Để xác định giá trị AI mang lại phải xem xét phát triển sản phẩm tính năng ưu Việt người dùng. Ví dụ, Ngân hàng ứng dụng AI cho công việc hành chính, giấy tờ. Song song giá trị AI đem lại, cần xem xét lợi thế cạnh tranh lớn nhất. Cuối cùng DN cần có hướng dẫn, nghiên cứu lâu dài sản phẩm AI, đào tạo kỹ sư, nhà nghiên cứu AI có chất lượng", ông Thức nói.
Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel Việt Nam cho rằng: AI cần chiến lược rõ ràng và cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. "Việc khuyến khích đổi mới sáng tạo cần áp dụng trong mọi ngành công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Đây là lĩnh vực DN Việt Nam có cơ hội, DN Việt có lợi thế là có lao động dồi dào, sẵn sàng áp dụng… Tuy nhiên, cần có có chiến lược tầm nhìn quốc gia".