Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) của Việt Nam đã đạt 3.995 tỷ USD. Tính riêng 5 năm từ năm 2015 đến năm 2019, xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 2.106 tỷ USD, đồng thời cao hơn xuất nhập khẩu của cả 15 năm về trước cộng lại (giai đoạn 2000-2014). Cùng với đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt.
Đến hết ngày 30/12, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt mức 514 tỷ USD, đánh dấu một kỷ lục mới của nền kinh tế. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 262,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 248,5 tỷ USD, xuất siêu lên tới gần 11 tỷ USD.
Số liệu cho thấy, xuất nhập khẩu đã cao gấp 170 lần so với thời điểm Việt Nam bắt đầu đổi mới, gấp 37 lần thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN, gấp 5 lần so với thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO (năm 2007).
Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm sau và xuất khẩu đạt 300 tỷ USD là áp lực lớn.
"Xuất khẩu của Việt Nam sẽ vượt trội so với phần còn lại của Đông Nam Á vào năm 2020", các nhà kinh tế của Maybank Kim Eng cho biết trong một báo cáo mới đây, ngay cả khi sự suy giảm xuất khẩu trong khu vực có thể sẽ chạm đáy.
Trong khi tăng trưởng kinh tế được cho là sẽ giảm xuống chỉ còn xấp xỉ 6,6% trong năm 2020 và 2021 (giảm so với mức 7,02% ước tính vào năm 2019), các nhà kinh tế Linda Liu và Chua Hak Bin cho biết trong một báo cáo gần đây rằng, triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn rất tích cực .
Dự kiến giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020 có thể sẽ vẫn tăng nhờ vào sự ổn định của thế giới khi mối quan hệ thương mại được cải thiện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cùng với sự phát triển của thị trường công nghệ toàn cầu. Đây sẽ là những yếu tố mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam.
"Sản xuất và xuất khẩu có khả năng cải thiện trong năm 2020, khi các nhà máy của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đến Việt Nam từ năm ngoái bắt đầu đi vào hoạt động và tạo ra sản lượng thực tế" - các chuyên gia này nói thêm.
Bên cạnh đóng góp của các nhà máy mới, các nhà phân tích đã chỉ ra nhu cầu nội địa tăng cao và bùng nổ xây dựng cơ sở hạ tầng do đầu tư công cao hơn sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
3 tháng cuối năm 2019 chứng kiến lĩnh vực dịch vụ mở rộng với tốc độ nhanh hơn, 8,1%. Doanh số bán lẻ tăng mạnh trong quý trước, vì tiêu dùng nội địa tăng cao, cũng nhờ một phần vào sự phục hồi dòng khách du lịch từ Trung Quốc.