Câu chuyện mạng xã hội "made-in-Vietnam" được đề cập khá thường xuyên trong thời gian qua và lần nữa lại xuất hiện tại sự kiện Internet Day 2018 do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) tổ chức trong sáng ngày 5/12.
Theo số liệu thống kê gần đây, Việt Nam xếp thứ 7 trong nhóm các nước dùng Facebook nhiều nhất thế giới với 60 triệu người dùng hàng tháng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Facebook là mạng xã hội lớn nhất tại Việt Nam, sau đó mới đến Zalo với khoảng 40 triệu người dùng.
Vậy Việt Nam có khả năng tạo ra một mạng xã hội của riêng mình và đánh bại Facebook hay không?
Chia sẻ tại sự kiện, ông Lê Duy Tiến, thành viên tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Mạng xã hội Việt Nam sẽ là một trong 5 cột trụ chính được Bộ xác định sẽ thúc đẩy trong thời gian tới, bên cạnh công cụ tìm kiếm Việt Nam, trình duyệt Việt Nam, phần mềm chống virus và hệ điều hành.
"Quan điểm thúc đẩy là hệ sinh thái số Việt Nam sẽ được phát triển và cung cấp bởi doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động theo quy luật cung cầu của thị trường", ông Tiến nhấn mạnh.
Ông dẫn kết quả các khảo sát gần đây, cho thấy Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới mà ở đó Facebook được phép hoạt động nhưng lại xếp sau mạng xã hội trong nước với tên gọi VK. Cụ thể VK có lượng người dùng hàng tháng ở Nga vào khoảng 100 triệu, nếu tính trên toàn cầu VK hoạt động chủ yếu ở các nước nói tiếng Nga, và có khoảng160 triệu người dùng.
Tại một nước khác là Trung Quốc, Facebook chỉ chiếm thị phần nhỏ vì bị chặn. Thay vào đó, các doanh nghiệp trong nước tự phát triển hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu kết nối của người dân.
Ở Việt Nam hiện tại, Facebook vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất, sau đó mới đến sản phẩm trong nước là Zalo. Tuy nhiên theo vị chuyên gia của Bộ Thông tin, Zalo là một sản phẩm khác, thiên về OTT - Over The Top, giải pháp cung cấp nội dung cho người sử dụng dựa trên nền tảng Internet, còn Facebook là mạng xã hội.
Sản phẩm nội tương tự như Facebook ở Việt Nam chưa có, nên Facebook gần như không có đối thủ tại Việt Nam.
"Sản phẩm nội tương tự như Facebook ở Việt Nam chưa có, nên Facebook gần như không có đối thủ tại Việt Nam. Tôi nghĩ đơn giản trước mắt là thế", ông Tiến lý giải về sự thống trị của Facebook tại thị trường trong nước.
Ông tiết lộ đã có nhiều doanh nghiệp ấp ủ ý tưởng xây dựng mạng xã hội made-in-Vietnam tương tự Facebook, nhưng "để quyết tâm làm thì chưa có". Tuy nhiên, ông cho biết sản phẩm công nghệ nào cũng có tuổi đời riêng, không nhất thiết sản phẩm tương đương Facebook mới đấu lại được Facebook. "Rất có thể một sáng kiến mới sẽ thu hút người dùng Việt, và biết đâu lại thắng Facebook thì sao".
Tinh thần của Bộ Thông tin, theo chia sẻ của ông Tiến, là tạo ra cơ chế chính sách thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp Việt kết nối với những đầu mối khác, ví dụ như chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
"Bộ sẵn sàng ủng hộ các doanh nghiệp phát triển mạng xã hội Việt Nam. Nếu có vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách nhà nước, bộ sẽ cùng tháo gỡ để doanh nghiệp phát triển. Còn làm như thế nào thì phụ thuộc vào thị trường và bản thân doanh nghiệp phải tự tính toán xem mình có đủ sức, đủ tiềm lực không", ông Tiến nhấn mạnh.