Trên các bảng xếp hạng quốc tế, hiệu quả thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế của Quỹ di sản văn hóa) Việt Nam tăng hạng đáng kể, từ thứ hạng 105 (năm 2020) lên thứ hạng 90 (năm 2021), 84 (năm 2022) và đạt thứ 72 (năm 2023). Chỉ số Phát triển bền vững (SDG) theo xếp hạng của Liên hợp quốc (UN) tăng điểm liên tục qua các năm, hiện xếp thứ 55 (năm 2022). Đối mới sáng tạo toàn cầu (GII) theo xếp hạng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2023 ở vị trí thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Hiệu quả logistics của nước ta cũng được ghi nhận cải thiện về chất lượng. Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều quyết sách về cải thiện môi trường kinh doanh , nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế,… đã mang lại kết quả này.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian gần đây, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, trong đó có những bất cập về chính sách; vì thế nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả. Gánh nặng chính sách đối với doanh nghiệp tồn tại dưới nhiều hình thức, thể hiện qua nhiều bất cập khác nhau. Có những vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết; thậm chí thời gian gần đây mức độ rủi ro càng tiềm ẩn lớn hơn.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thẳng thắn nhìn nhận, cải cách môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm rào cản, hoặc tạo rào cản mới theo hướng gây thêm khó khăn và tăng thêm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, từ đó khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro hơn.
Bên cạnh đó, rào cản trong thực hiện dự án đầu tư có phần nặng nề hơn do công tác phối hợp chưa hiệu quả; tiếp tục là rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh; có thể dẫn tới giảm niềm tin và động lực kinh doanh. Cũng không ít vấn đề nhức nhối, doanh nghiệp kiến nghị nhiều, song vẫn chưa có những thay đổi thực sự.
Ông cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh , nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một yếu tố không thể thiếu trong khung khổ tư duy điều hành phát triển kinh tế - xã hội và đã chứng tỏ là hữu ích và hiệu quả trong mấy nhiệm kỳ qua. Đặc biệt, với đà suy giảm của các động lực tăng trưởng (xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư), kinh tế năm 2024 dự báo chưa vượt qua khó khăn, do đó để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 mức 6 - 6,5% không hề đơn giản, mục tiêu kinh tế của kế hoạch kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn và thách thức. Trong bối cảnh ấy, yêu cầu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang trở thành "mệnh lệnh không thể chần chừ".
Nhận thức được tầm quan trọng cần phải có một công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó cải thiện môi trường kinh doanh được coi là công cụ, gói hỗ trợ ít tốn kém nhất, ngay những ngày đầu năm 2024, Chính phủ đã quyết định ban hành riêng Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh , nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Trên thực tế, từ năm 2014, hằng năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh , nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (những năm đầu là Nghị quyết 19 và từ năm 2019 là Nghị quyết 02) với các mục tiêu, giải pháp ngày càng cụ thể. Năm 2023, những nội dung này được tích hợp vào Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội, Dự toán Ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh , nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Tuy nhiên, khi tích hợp vào Nghị quyết 01, những giải pháp về môi trường kinh doanh dường như ít được quan tâm và chú trọng hơn hoặc sự quan tâm không đạt được như kỳ vọng và đặc biệt trong năm 2023, kinh tế gặp rất nhiều bất lợi, ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, sự quay trở lại của Nghị quyết 02 ngay từ đầu năm, như một sự động viên với cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra một niềm tin - một động lực để các doanh nghiệp thấy rằng Chính phủ đang đồng hành với họ.
"Đây cũng là cơ hội để quyết định tiếp tục thực hiện các hoạt động đầu tư để kinh doanh và cũng là tạo ra áp lực để các bộ ngành tạo ra sự áp lực để bộ ngành địa phương có sự thay đổi vì doanh nghiệp vì sự phát triển nói chung", bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho hay.
Nghị quyết 02 đề ra mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp.
Để làm được điều đó, theo bà Nguyễn Minh Thảo, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương. Trên thực tế, trong rất nhiều vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, những lĩnh vực nào được bộ, ngành, địa phương quan tâm thì lĩnh vực đó có chuyển biến tích cực.
Kỳ vọng việc Chính phủ ban nghị quyết chuyên đề số 02 tương tự như Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 trước đây, có thể giúp môi trường kinh doanh cải thiện đáng kể, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, thực tế cho thấy, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh là điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhiều nhất, là hỗ trợ thiết thực nhất, giá trị nhất đối với doanh nghiệp. Đồng thời, đó cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ nhất và ít tốn kém nhất.