Tổng thống Trump từng xem Trung Quốc là mối đe dọa chính của Mỹ. Ông từng viết trên Twitter, nhắc nhở người Mỹ rằng Trung Quốc không phải là bạn của họ.
Ông chính là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên tuyên bố sẽ khiến Trung Quốc phải thay đổi toàn bộ hành vi thương mại bằng cách áp đặt thuế bổ sung lên các gói hàng trị giá hàng trăm tỷ USD, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, buộc Bắc Kinh mặc dù phản kháng nhưng vẫn phải ngồi vào bàn đám phán thương mại với Washington. Nhà lãnh đạo Mỹ hơn 1 lần tự tin tuyên bố với cả thế giới rằng, trong cuộc chiến này ông nắm chắc phần thắng và Trung Quốc muốn tham gia vào cuộc chơi toàn cầu có Mỹ thì phải thay đổi cả cấu trúc nền kinh tế được nhà nước bảo hộ.
Truyền thông Trung Quốc và không ít học giả nước này công khai chỉ trích Tổng thống Mỹ có cách "hành xử côn đồ", hung hăng và tuyên bố Trung Quốc sẽ không nhượng bộ ngày cả khi bị kề dao vào cổ. Nhưng gần 1 năm kể từ khi cuộc chiến thương mại do ông Trump phát động, một số chuyên gia kinh tế Trung Quốc buộc phải thừa nhận ông Trump là người gây áp lực lên cải cách và mở cửa ở Trung Quốc.
Tổng thống Trump gặp gỡ Phó Thủ tướng Lưu Hạc tại Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)
Trên các bàn đàm phán, Mỹ kêu gọi chính phủ Trung Quốc giảm bớt ảnh hưởng đối với kinh tế của đất nước.
Washington yêu cầu Bắc Kinh ngừng "bơm tiền" cho các công ty nhà nước, gỡ bỏ các rào cản thương mại và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân. Yêu cầu này của Mỹ vô hình trung lại rất "hợp ý" với nhiều trí thức và doanh nhân Trung Quốc.
" Cuộc chiến thương mại là một điều tốt. Nó cho chúng ta hy vọng khi chúng ta tuyệt vọng", Giáo sư Zhu Ning tới từ Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh cho biết.
"Các yêu cầu của chính phủ Mỹ buộc chúng tôi phải cải cách. Việc cải cách cũng tương tự như cắt đi chính cánh tay bị thương và đang thối rữa của mình. Sẽ dễ dàng hơn nếu ai đó buộc bạn phải làm điều đó", ông Tao Jingzhou tới từ công ty luật Dechert ở Bắc Kinh nhận định.
Nhiều quan chức nghỉ hưu cũng tin rằng cuộc chiến thương mại dù đang khiến kinh tế Trung Quốc yếu đi ở thời điểm này nhưng cũng mang lại những khía cạnh tích cực.
Ông Long Yongtu, người từng dẫn đầu các cuộc đàm phán để Trung Quốc gia nhập WTO tại một diễn đàn vào cuối tháng 3/2019 nói rằng cuộc chiến thương mại có thể là một đều tốt.
"Nó có thể là áp lực lành mạnh đẩy Trung Quốc tiến lên phía trước", ông Long nói.
Tất nhiên, cơ hội để một mình Tổng thống Trump có thể thay đổi con đường mà Trung Quốc đang đi là cực kỳ nhỏ. Trung Quốc sẽ không dễ dàng gật đầu với các yêu cầu của ông chủ Nhà Trắng. Cải cách thực sự phải diễn ra từ bên trong.
"Chúng ta không thể trông chờ lực lượng bên ngoài cứu lấy Trung Quốc. Thay đổi chỉ đến khi những người có trách nhiệm trong và ngoài chính phủ cùng nhau thúc đẩy nó", ông Wang Gongquan, một nhà cựu đầu tư mạo hiểm nói.
Các chuyên gia Trung Quốc chỉ ra rằng cách làm của nhà lãnh đạo Mỹ đã có những thay đổi nhất định.
Cùng lúc phải đối phó với cuộc chiến thương mại và sụt giảm tăng trưởng bắt đầu từ giữa năm 2018, giới lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu chấp nhận tự do hóa dù không quá nhiều. Chính quyền cũng hứa sẽ giảm thuế, giảm bớt gánh nặng đối với các doanh nghiệp tư nhân.
"Nhiều chỉ đạo định hướng lại thị trường đang được xem xét hoặc đã được đặt lại trên bàn. Theo nghĩa này, cuộc chiến thương mại đang giúp cải cách Trung Quốc", giáo sư Zhu Ning nhận định.
Nhiều người tin rằng Tổng thống Trump đang hướng tới mục tiêu lớn lao là thay đổi toàn bộ hành vi tham gia thương mại quốc tế của Trung Quốc. Các cố vấn của ông Trump cũng từng khẳng định rằng ông sẽ thúc đẩy cải cách kinh tế ở Trung Quốc, nhưng đồng thời thừa nhận bất kỳ cam kết nào của Bắc Kinh về việc cắt giảm trợ cấp cho các công ty nhà nước hoặc các ngành công nghiệp mà họ ưa thích sẽ rất khó xác minh.
(Nguồn: NYT)