Ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ phố hợp với Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU) để thu hồi quy chế tối huệ quốc của Nga.
Hãng tin AP (Mỹ) cho biết, Canada đã có hành động tương tự vào tuần trước, trở thành đồng minh lớn đầu tiên của Mỹ thu hồi quy chế tối huệ quốc của Nga.
Thu hồi quy chế tối huệ quốc tăng áp lực lên Nga
Việc Mỹ thu hồi quy chế tối huệ quốc của Nga cần có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ. Nhưng hai nguồn tin tiết lộ với hãng tin Reuters (Anh) rằng, các nhà lập pháp ở cả hai viện của Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ của họ. Động thái này mở đường cho việc Mỹ và các đồng minh áp thuế trên diện rộng đối với hàng hóa Nga, làm tăng thêm áp lực lên nền kinh tế Nga.
Ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Nga. Ảnh: Getty
Theo Phòng đại diện Thương mại Mỹ, năm 2019, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của Mỹ, với giá trị thương mại khoảng 28 tỷ USD. Các mặt hàng Mỹ nhập khẩu chính từ Nga bao gồm nhiên liệu hóa thạch, kim loại quý, quặng, thép, phân bón và hóa chất vô cơ. Các sản phẩm này đều sẽ phải chịu mức thuế cao hơn sau khi quy chế tối huệ quốc bị thu hồi.
Hà Vĩ Văn - Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương, Đại học Nhân dân Trung Quốc - nói với phóng viên Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc): "So với các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực tài chính và năng lượng, việc thu hồi quy chế tối huệ quốc không phải là đòn nặng nề giáng vào Nga".
Theo ông Hà, động thái này của Mỹ là dựa trên nhu cầu chính trị và chiến lược, và tính hợp lý của nó là không thể lay chuyển được; bởi theo quy định của Tổ chức Kinh tế Thế giới (WTO), khi an ninh quốc gia bị đe dọa, một nước có thể xem xét thu hồi quy chế tối huệ quốc của bên kia.
Trần Phượng Anh - một nhà nghiên cứu tại Học viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc - nhấn mạnh: "Nhiều sự việc xảy ra trong cộng đồng quốc tế hiện nay được tiến hành theo các tiêu chuẩn của Mỹ. Cũng có nghĩa là, các quy tắc và trật tự quốc tế đang bị Mỹ phá vỡ và viết lại".
Kênh Russia Today (Nga) ngày 10/3 đưa tin cho biết, việc phương Tây "cô lập" về kinh tế và tài chính đối với Nga cũng gây ra mối đe dọa đối với các quốc gia áp đặt các lệnh trừng phạt.
Bài báo liệt kê 7 hậu quả: Giá năng lượng tăng cao gây tổn hại cho người tiêu dùng và các hộ gia đình trên khắp thế giới; cuộc khủng hoảng năng lượng có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu; các lệnh trừng phạt làm tăng nguy cơ lạm phát; Ukraine và Nga có thể giảm hơn nữa xuất khẩu thực phẩm và các sản phẩm chính liên quan đến nông nghiệp, điều này sẽ khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt; giá các mặt hàng khác tăng cao; ngành hàng không toàn cầu bị ảnh hưởng; các công ty châu Âu bị "tổn thương".
Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Nga và EU tăng 42,7% lên 247 tỷ Euro.
Văn phòng thông tin của chính phủ Nga ngày 10/3 đã đưa ra một tuyên bố cho biết, để "đảm bảo sự ổn định của thị trường Nga", chính phủ Nga đã xác định danh sách hàng hóa bị cấm xuất khẩu vào cuối năm 2022, đề cập đến hơn 200 các sản phẩm được Nga nhập khẩu từ nước ngoài, bao gồm thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị y tế, máy móc nông nghiệp... Ngoài ra, Nga còn tạm thời hạn chế xuất khẩu một số loại gỗ và sản phẩm gỗ sang các nước và khu vực không thân thiện.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Trixabia
Quan chức EU thừa nhận sai lầm
Theo hãng tin AFP (Pháp), từ ngày 10 đến 11/3, các nhà lãnh đạo EU đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Cung điện Versailles của Pháp. Họ có kế hoạch tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Ukraine với số tiền bổ sung là 500 triệu Euro.
Ngoài ra, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu vào tối ngày 10/3 theo giờ địa phương để thông qua dự luật phân bổ toàn diện cho năm tài chính 2022 của Chính phủ Liên bang với quy mô tài trợ khoảng 1,5 nghìn tỷ USD, bao gồm 13,6 tỷ USD hỗ trợ tài trợ khẩn cấp cho Ukraine. Dự luật trước đó đã được Hạ viện Mỹ thông qua và sẽ được gửi tới Tổng thống Joe Biden ký ban hành.
Tuy nhiên, đối với các yêu cầu nhiều hơn từ Ukraine, các nước phương Tây không thể đáp ứng được. Theo nhiều kênh truyền thông quốc tế, các quốc gia thành viên EU đang chia rẽ trước yêu cầu của Kiev về việc tăng tốc độ tiếp cận tư cách thành viên EU.
"Ukraine thuộc về gia đình châu Âu", Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cho biết vào ngày 10/3.
Nhưng Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic khẳng định: "Không ai có thể vào EU trong một sớm một chiều".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng, việc mở cửa tiến trình gia nhập EU cho một quốc gia đang có chiến tranh là "không khả thi", nhưng cũng sẽ không công bằng nếu đóng cửa và nói rằng "sẽ không bao giờ có thể thực hiện được".
Trong bài phát biểu của mình vào ngày 11/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã "hét lên" với EU rằng: "Cần phải làm nhiều hơn nữa (cho Ukraine)".
Trước yêu cầu lặp đi lặp lại của ông Zelensky về việc thiết lập "vùng cấm bay" ở Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg một lần nữa bác bỏ vào ngày 11/3 và nói rằng động thái này "có khả năng dẫn đến một cuộc chiến toàn diện giữa NATO và Nga"; điều này sẽ gây ra "nhiều đau khổ, tàn phá và chết chóc".
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày cũng cảnh báo, xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga có thể dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ 3.
Theo hãng thông tấn RIA Novosti (Nga), vào ngày 11/3, Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Pháp rằng, phương Tây đã mắc một loạt sai lầm và "mất khả năng đưa Nga đến gần phương Tây hơn", trong đó có đề xuất để Ukraine gia nhập NATO.
"Tôi nghĩ rằng, đưa ra một số lời hứa nhưng không thể thực hiện được là một sai lầm", ông Borell nói.