Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa của tín dụng đen là kiến thức tài chính của người dân Việt Nam còn rất ít ỏi.
"Chúng ta đã bàn quá nhiều đến chính sách, hệ thống ngân hàng trong khi cốt lõi ở người đi vay, có nhu cầu vay là trọng tâm. Chúng ta cần phải có sự giáo dục tài chính cho quần chúng chặt chẽ hơn nữa. Người có khả năng vay tiền hay không có khả năng đều phải có kế hoạch tài chính", ông nói.
Vị chuyên gia này cũng chia sẻ, trong 10 năm ở Việt Nam, trong số những người được hỏi về việc có kế hoạch tài chính hay không thì đến 98% nói là không có. Theo ông, khi đã đi vay thì phải xem xét chi phí hàng ngày, nguyên tắc vay bao nhiêu cũng được nhưng trong 1 tháng, số tiền trả nợ/tổng thu nhập không được quá 60%. Vì một người còn phải trả thuế, đổ xăng, sinh hoạt hàng ngày,…và số đó phải dành ít nhất 40%, nếu đi vay quá 60% thu nhập của mình thì rủi ro sẽ rất cao.
TS. Đỗ Hoài Linh thì cho rằng, để tín dụng tiêu dùng phát huy được vai trò của mình trong việc đẩy lùi tín dụng đen, về ngắn hạn cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình tuyên truyền và giáo dục nhận thức của người dân về tài chính, nâng cao hiểu biết của họ về các tổ chức cấp tín dụng, dấu hiệu để nhận biết tín dụng đen, trẻ mẫu giáo cũng nên được phổ biến những khái niệm về tiền. Và quan trọng hơn nữa là hình thành nhận thức và ý thức về việc lập kế hoạch và kỷ luật tài chính trước bất kỳ một ý định vay vốn nào.
Về dài hạn, nhanh chóng đưa các kiến thức của tài chính cá nhân vào khung đào tạo, trải dần từ bậc phổ thông đến đại học, việc này nhằm mục đích trang bị kiến thức về tài chính từ cơ bản đến chuyên nghiệp. Trong khi đó, Việt Nam lại không đẩy mạnh những chương trình như thế này dù rất cần thiết.