Trong công cuộc số hoá sôi nổi, nhân lực IT là một trong những bài toán lớn không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Theo báo cáo 2021 của Topdev, 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực CNTT tại Việt Nam không ngừng tăng cao.
Trong năm 2021, Việt Nam cần 450.000 nhân lực CNTT, tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam hiện là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần. Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể, hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (chiếm gần 30%) trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành CNTT đáp ứng được những kỹ năng và yêu cầu của doanh nghiệp cần.
Dù rằng, mức lương chi trả thuộc hàng top trong danh mục các ngành nghề, ước tính thị trường nhân lực IT hiện thiếu hụt khoảng vài chục phần trăm, tương đương khoảng 5 triệu công việc vẫn còn đang thiếu. "Trên toàn cầu, chúng ta có khoảng 30 triệu nhân sự đang làm việc trong ngành CNTT. Và 5 triệu là số lượng còn thiếu", T.S Serg Bell chia sẻ tại buổi ký kết MoU giữa Acronis với Đại học FPT mới đây. Theo đó, hai bên sẽ thành lập một trung tâm R&D (Nghiên cứu & Phát triển) tại Việt Nam.
"Hiện, chúng tôi đang cân nhắc xem trung tâm này chúng tôi sẽ đặt tại Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh. Và chúng tôi kỳ vọng rằng, trong trung tâm này, chúng tôi sẽ có hàng trăm đến hàng nghìn nhân viên tham gia và làm nghiên cứu phát triển. Và dự định sẽ đầu tư từ 50 đến 150 triệu USD vào trung tâm này.
Như chúng ta biết thì công ty Acronis của chúng tôi là công ty có hàng nghìn nhân viên và đồng thời có doanh thu hàng trăm triệu USD, có trụ sở tại Singapore và Thuỵ Sĩ. Chúng tôi cũng đã xây dựng trung tâm R&D tại 10 quốc gia trên toàn cầu. Hiện nay chúng tôi đã có một trung tâm R&D ở Singapore và đặt trụ sở tại Singapore, nên hiển nhiên chúng tôi cũng muốn khám phá các tiềm năng trong khu vực, và mong muốn đặt một trung tâm R&D trong khu vực, và có lẽ tại Việt Nam", ông nói.
Chia sẻ lý do chọn Việt Nam là nới đặt trung tâm R&D và gieo mầm hạt giống nhân lực IT, đại diện Acronis cho biết thứ nhất Công ty đã có 10 trung tâm R&D quy mô khá lớn trên toàn thế giới rồi. Và khi nhìn vào Việt Nam, câu hỏi đặt ra là "Tại sao không?", chứ không phải là "Tại sao lại là Việt Nam?". Chưa kể, công ty Acronis đã được lập ở Singapore, và việc thành lập một trung tâm R&D thứ 2 trong khu vực tại Việt Nam thì rất hợp lý bởi vì Việt Nam rất gần Singapore.
Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh đánh giá nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, và thấy rằng Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều tài năng đang hiện hữu. "Khi đặt chân đến Việt Nam, tôi rất bất ngờ về sự phát triển CNTT tại đây. Thực tế mà nói, Việt Nam có một thị trường CNTT khá phát triển so với các nước khác trong khu vực. Ở các quốc gia khác như Indonesia, Malaysia hay Myanmar hay một số quốc gia khác trên thế giới thì không có những công ty dẫn đầu về CNTT như FPT. Trong chuyến thăm này, tôi cũng đã gặp gỡ và làm việc với công ty Viettel và tôi rất ấn tượng với sự vận hành của công ty về mặt công nghệ. Tuy nhiên, đó chỉ là những ấn tượng ban đầu, chúng tôi cũng chưa có kinh nghiệm nhiều ở thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong thị trường ICT – thị trường về CNTT".
Mặt khác, như đã đề cập, nhu cầu nhân lực CNTT đang là thách thức của thế giới: Đó là chúng ta không có đủ và đang thiếu hụt toàn cầu về nhân sự trong ngành CNTT. Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi, có một nền tảng giáo dục tốt để phát triển nhân sự và tài năng trong ngành kỹ thuật. Chúng ta đều biết rằng, hiện nay đang diễn ra xung đột giữa Nga và Ukraine, trong đó, Belarus cũng bị ảnh hưởng. Ba quốc gia trên là ba quốc gia có ngành CNTT phát triển rất mạnh mẽ. Do đó, khi bị ảnh hưởng, nó cũng sẽ để lại một lỗ hổng khá lớn trong bối cảnh toàn bộ bức tranh CNTT toàn cầu. Do đó, đây là một cơ hội rất thuận lợi cho Việt Nam.
Việt Nam đã trải qua một quá trình lịch sử, khoảng thời gian khó khăn 40-50 năm về trước. Ngay cả trong bối cảnh hiện tại thì Belarus cũng không gặp nhiều khó khăn như ở Việt Nam. Do đó, rất khó để so sánh giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Chỉ có một điều chắc chắn, Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh và chúng ta sẽ nhanh chóng đuổi kịp.
Vị này cũng đánh giá thì chất lượng tài năng ở Việt Nam thì rất tốt. Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta có thể cải thiện hơn nữa, đó là chất lượng lãnh đạo của các dự án kỹ thuật. Vấn đề này có thể giải quyết nếu chúng ta đầu tư hơn nữa vào khoa học.
"Nhiều người nghĩ rằng sáng tạo các sản phẩm ở những ngành khác nhau thì giống nhau, nhưng để tôi nói nhanh thôi, ví dụ chúng ta muốn sản xuất một cái ô tô hay máy bay thì cần thêm nhiều kỹ sư (engineer) bởi vì thông thường nếu đang sản xuất máy bay rồi, sản xuất thêm một máy bay nữa thì cũng không cần thêm nhiều kỹ năng mới. Tuy nhiên để sản xuất ra một phần mềm mới, hay thậm chí là một phần cứng mới của máy tính chẳng hạn, thì thường sản phẩm phải hoàn toàn mới. Vậy những người được dạy và đào tạo trong ngành khoa học chính là những người sẽ tìm ra những sự sáng tạo đổi mới này.
Có rất nhiều người Việt Nam đã ra nước ngoài để học hỏi về những ngành khoa học, nhưng không nhiều trong số đó quay trở lại Việt Nam. Do đó, việc đào tạo cần phải được thực hiện ngay tại Viêt Nam. Đấy chính là mục tiêu và vấn đề chúng tôi muốn giải quyết. Với việc SIT và Jacobs hợp tác với đại học FPT, chúng tôi muốn đem tới gấp chục lần, gấp hàng trăm lần những người làm khoa học, hay những người nghiên cứu hay học tập về ngành khoa học tại Việt Nam, từ đó chúng ta có thể tạo ra nhiều những sản phẩm mới chứ không chỉ đơn thuần là những người chỉ làm lại những sản phẩm hiện có", ông nhấn mạnh.
Thống kê, với khoảng mỗi 10.000 người làm trong ngành Kỹ thuật (Engineer), chúng ta sẽ cần từ 10-30 người để lãnh đạo những nhóm kỹ thuật đó. Như vậy, chúng ta sẽ không chỉ tạo ra những sản phẩm hàng đầu như là sản xuất ô tô, mà chúng ta có thể trở thành quốc gia hàng đầu trong việc sản xuất những sản phẩm về công nghệ, phần mềm hàng đầu.
Nếu nói về việc đào vàng, vàng thì ở đâu cũng giống nhau, có thể có nhiều hình khối khác nhau nhưng đó vẫn là vàng, và chúng ta có thể cân đo, đong đếm. Nhưng tài năng thì khác, khi chúng ta "đào" hay tìm kiếm tài năng thì chúng ta không được bỏ lỡ cơ hội nào vì tài năng khó có thể đánh giá được. Ví dụ như Albert Einstein, trong vòng 1 năm ông đã có đóng góp vào khoa học, có lẽ là hơn đóng góp của các tiến sĩ và học viên cao học của Trung Quốc trong 100 năm qua. Và chúng ta tính một con số đó là, nếu như Trung Quốc mỗi năm có thể đào tạo ra khoảng 10.000-100.000 tiến sĩ hay thạc sỹ và nhân số đó với 100 năm, chúng ta có thể thấy những đóng góp của Einstein gấp hàng triệu lần so với lực lượng tương ứng của Trung Quốc như ví dụ vừa nói.
Có một câu hỏi đặt ra là: Liệu Việt Nam có thể vượt qua được Trung Quốc không khi Việt Nam có quy mô nhỏ hơn nhiều? Trả lời, "chúng tôi muốn chỉ ra rằng Israel là một quốc gia rất nhỏ nhưng họ đã vượt qua được Trung Quốc. Nếu chúng ta đầu tư và tập trung vào tài năng thì chúng ta sẽ có cơ hội để vượt qua Trung Quốc, mặc dù chúng ta là quốc gia có quy mô nhỏ", ông nói thêm.