VND giảm giá 3%
Theo GS. Ian Alexander Eddie, VinaCapital, trình bày tại tham luận “Triển vọng kinh tế Việt Nam và khu vực Châu Á” tại Hội nghị CFO thế giới lần thứ 48, dự báo năm 2018 tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,8%, lạm phát gần 4%, VND giảm giá 3% so với USD.
So với các đồng tiền khác trong khu vực VND khá ổn định, đồng Rupee của Ấn Độ giảm 16% và đồng Rupiah của Indonesia giảm 12%, đồng Peso của Philippines giảm 9%...
Nền kinh tế Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và được lợi khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại từ cuộc chiến này.
Do đó, trong nhóm các quốc gia mới nổi, dòng vốn ngoại vẫn chảy vào Việt Nam tương đương 13% GDP sẽ giúp Việt Nam có thặng dư lớn cho phát triển kinh tế. Trong khi Thái Lan dòng vốn vào chỉ ở mức 8%, Malaysia là 5%, còn các quốc gia khác dòng vốn lại chảy ra như: Indonesia âm 1,5%, Thổ Nhĩ Kỳ âm 6,5%...
Việt Nam cũng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vì Chính phủ chọn phát triển ổn định hơn là tăng trưởng nhanh. So với tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc, quốc gia này đã có những thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trên 2 con số, Việt Nam tăng trưởng GDP ở mức cao chỉ là 7-8%.
Việt Nam cũng đang lo lắng lạm phát tăng cao trở lại. Áp lực lạm phát ở đây đến từ bong bóng tài sản do đầu cơ. Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách quản lý chặt chẽ và thận trọng để giảm thiểu bong bóng tài sản.
Cá nhân siêu giàu đang tăng nhanh
Trong thời gian tới, có 4 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng GDP cho Việt Nam. Thứ nhất, hiện chỉ có 65% đóng góp vào GDP đến từ tiêu dùng, sự gia tăng tiêu dùng sẽ còn tăng cao 8,8% mỗi năm khi tầng lớp trung lưu đang tăng lên.
Thứ hai, tốc độ đô thị hoá đang diễn ra với sự tăng trưởng 3% mỗi năm và sẽ tăng nhanh khi hiện nay chỉ có 33% số dân Việt đang sống ở đô thị, so với tỷ lệ 50% dân số toàn cầu đang sống trong các thành phố lớn. Thu nhập của người dân đô thị đang cao hơn 40% so với thu nhập tại nông thôn.
Việt Nam mới ở giai đoạn đô thị hoá sơ khai nên rất nhiều tiềm năng để phát triển. Hiện Việt Nam có 75% dân số lao động trong nông nghiệp, giá trị sản xuất thấp. Nhân viên trong khu vực FDI có năng suất gấp 10 lần khu vực nông thôn, thu nhập và tiêu dùng ngày càng tăng cao khi nông dân di chuyển đến thành phố lớn.
Thứ ba, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt bằng quy mô GDP vào năm 2016 và còn tăng trưởng mạnh nữa khi mỗi năm tăng 17%, trong đó, hơn 35% đóng góp từ lĩnh vực công nghệ cao.
Thứ tư, sản xuất sẽ phát triển mạnh khi đang đóng góp vào GDP 16% và sẽ tăng tỷ trọng lên 30% khi tăng trưởng mỗi năm là 12,7%.
Một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP là giới trung lưu ngày càng tăng. Việt Nam là quốc gia xếp thứ 10 trên toàn thế giới về tốc độ tạo ra cá nhân có siêu thu nhập (giá trị tài sản ròng siêu cao).
Về phân bổ tài sản, khoảng cách thu nhập giàu - nghèo tại Việt Nam hiện vẫn tương đối cân bằng với chỉ số là 34,8 trong khu vực Châu Á. Mất cân đối giàu – nghèo diễn ra mạnh tại Hồng K ông với chỉ số này là 53,9, tiếp đến là Trung Quốc là 46,5, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Phillippines tương tự nhau với chỉ số này trong khoảg 45.
Không nhanh lại lỡ "con tàu 4.0"
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CM 4.0) được gọi là thời của: điện toán đám mây, dữ liệu lớn, tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu sâu. Amazon cũng không biết tương lai sẽ xảy ra những gì, nhưng họ đổ rất nhiều tiền vào nghiên cứu, sáng tạo.
Do đó, sự chuyển hướng của nền kinh tế thế giới trong CM 4.0 sẽ bất lợi cho những quốc gia lấy lợi thế là chi phí lao động thấp để cạnh tranh.
Việt Nam đang ở vị trí 45 về chỉ số sáng tạo toàn cầu, đã leo lên được nhiều hạng, cao hơn Indonesia ở vị trí 85 và Philippines đang ở thứ 73, dưới Thái Lan ở mức 44, Malaysia là 35, Singapore là 5… Việt Nam cũng đang đầu tư cho giáo dục chiếm rất cao tới 5,7% GDP. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam bước vào thời đại công nghiệp 4.0 nếu biết chuyển mình và phát huy hết tốc lực sức mạnh nội tại.
Dự báo đến năm 2030, quy mô GDP của Việt Nam tăng gấp 02 lần hiện nay và lên đến 510 tỷ USD.