Theo ông Ismael Pili, Giám đốc nghiên cứu VinaCapital, năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng vọt 37,3% (tính bằng đồng USD). Theo đó, đây là thị trường hoạt động tốt nhất trong khu vực châu Á.
Về kết quả hoạt động của các ngành, báo cáo VinaCapital xét đến khoảng 11 lĩnh vực khác nhau. Trong đó, khoảng 6 lĩnh vực đã ghi nhận tăng trưởng vượt bậc.
Tăng trưởng của nhóm ngành CNTT dẫn đầu, ở mức khoảng 88%. Song tỷ trọng lĩnh vực này chỉ chiếm 1,8%. Trong khi đó, tăng trưởng ngành tài chính đã gần mức 42%, và tỷ trọng thuộc nhóm đầu (33,6%).
Ông Ismael nhấn mạnh, các chỉ số này đang được hưởng lợi từ số lượng tài khoản giao dịch mở đạt kỷ lục. "Đây là năm mà các nhà đầu tư nội địa thống trị toàn thị trường, chiếm khoảng 94% tổng giá trị giao dịch".
Đáng chú ý, thanh khoản mỗi phiên giao dịch đạt mức vượt trội hơn so với Singapore, Indonesia, Malaysia và Philippines. Theo đại diện VinaCapital, xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài thời gian tới.
Bước sang năm 2022, VinaCapital dự báo, thị trường Việt Nam vẫn tương đối lạc quan nhờ lợi nhuận ròng tăng trưởng mạnh, định giá rẻ, cũng như nền tảng vĩ mô thuận lợi. Tuy nhiên, ông Ismael Pili cho hay, năm 2021 là một năm "thất thường", với mức biến động tương đối thấp không chỉ ở Việt Nam, mà còn đối với thị trường chứng khoán toàn cầu.
Thực tế, chính sách thuế thay đổi theo hướng thắt chặt có thể sẽ tạo ra biến động lớn hơn báo cáo đang ước tính. Điều này đồng nghĩa với việc rủi ro sẽ cao hơn.
Đồng thời, đại diện VinaCapital cũng chỉ ra hai nhóm ngành nổi bật trong năm 2022: Ngân hàng và Bất động sản. Cụ thể, ngành ngân hàng (có tỷ trọng quanh mức 30% trong chỉ số VN-Index), bất động sản (chiếm tỷ trọng khoảng 25%) sẽ đều hưởng lợi được từ những thuận lợi mang tính chu kỳ lẫn tính dài hạn trong năm nay.
Lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ tăng khoảng 30% trong năm nay nhờ vào tăng trưởng tín dụng 14% và vì các ngân hàng Việt Nam sẽ ít bị tác động bởi COVID-19. Lý giải về điều này, chuyên gia VinaCapital cho rằng, vấn đề về chất lượng tài sản ít ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng hơn và không kỳ vọng các ngân hàng (nhất là nhóm ngân hàng thương mại nhà nước) sẽ tiếp tục hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế (ví dụ, bằng cách đưa ra lãi suất cho vay ưu đãi) một lần nữa trong 2021.
Hai xu hướng đang diễn ra sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam trong năm 2022, đó là cơ cấu khoản vay được cải thiện (nhiều khoản vay bán lẻ, doanh nghiệp vừa và n hơn) và chi phí huy động vốn thấp hơn, nhờ tỷ trọng cao hơn từ nguồn các tài khoản tiết kiệm vãng lai chi phí thấp. Ngoài ra, các chính sách cơ cấu lại nợ xấu của Chính phủ sẽ cho phép các ngân hàng bù đắp khoản lỗ cho vay từ COVID trong ba năm, điều này sẽ hỗ trợ lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay.
Liên quan đến rủi ro trong năm tới, vị chuyên ra cho rằng thị trường sẽ đối mặt với 2 rủi ro chính. Đầu tiên là liên quan đến COVID-19. Đại dịch đã kéo dài 2 năm qua, và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Thứ hai là về chính sách tiền tệ thắt chặt. Bởi thực tế, thị trường đã quen với các chính sách nới lỏng, song bước sang năm 2021, những thay đổi về chính sách sẽ tác động đến thị trường chứng khoán.
Có nhiều yếu tố đặc trưng có thể ảnh hưởng đến cả lợi nhuận và giá cổ phiếu, bao gồm các giao dịch bancassurance với các công ty bảo hiểm nước ngoài (thường đòi hỏi các khoản trả trước hậu hĩnh) và các vấn đề về xoay vòng/tái cơ cấu.
Đối với bất động sản, VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận của các công ty bất động sản sẽ tăng gần 25% vào năm 2022, nhờ vào doanh số bán/đặt mua trước các bất động sản của các doanh nghiệp phát triển bất động sản tăng gần gấp đôi sau khi giảm hơn 50% vào năm 2021 do COVID-19, cũng như các vấn đề pháp lý/quy định hiện đang được giải quyết. Cùng với đó, thu nhập của các công ty có doanh thu định kỳ cũng dự kiến sẽ tăng trong năm nay.
Khi vốn đầu tư vào bất động sản vẫn sôi động, một phần nhờ vào lãi suất huy động thấp mà các ngân hàng trả cho người gửi tiết kiệm, sẽ đảm bảo rằng giá bất động sản tiếp tục tăng vào năm 2022. VinaCapital tin rằng bất động sản sẽ tiếp tục tăng giá và nhu cầu mua nhà để ở hoặc cho mục đích đầu tư sẽ bị dồn nén sẽ dẫn đến sự gia tăng dự kiến trong số lượng bán trước các bất động sản mới vào năm 2022.
Ngoài ra, còn có các yếu tố như sức mạnh tiêu dùng nội địa. Theo vị chuyên gia, Việt Nam đang thiếu các khoản tiết kiệm dồn né, do đó sẽ ít có khả năng xảy ra hiện tượng "tiêu dùng trả thù". Song, tốc độ tiêm chủng nhanh sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
Rủi ro tiếp theo là tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là công nhân tại các nhà máy. Tuy nhiên, ông Ismael Pili khẳng định, đây chỉ là vấn đề ngắn hạn. Tương tự như vậy, rủi ro về chuỗi cung ứng cũng được dự báo sẽ không kéo dài.
Liên quan đến dòng vốn FDI, đại diện VinaCapital cho biết, đây không phải là vấn đề "quá lo lắng" như trước nữa, và Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ làn sóng di dời nhà máy như trước COVID-19. Đồng thời, những yếu tố như chi phí lao động rẻ, cơ sở hạ tầng và logistics cũng là lợi thế đối với Việt Nam.
Rủi ro cuối cùng là sự biến động giao dịch sẽ lớn hơn so với năm 2021. Thị trường chứng khoán toàn cầu nhìn chung sẽ bị ảnh hưởng bởi chu kỳ tăng lãi suất. "Tuy vậy, chúng tôi kỳ vọng tình hình này sẽ không xảy ra ở Việt Nam", ông Ismael kết luận.