Với thời gian ở Việt Nam tương đối dài, ở góc độ vĩ mô, ông có nhận xét gì về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam sau khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19?
Đầu tiên là cần phải nhìn vào giai đoạn 3 năm: 2020, 2021 và 2022. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam đã rất may mắn đạt được mức tăng trưởng GDP dương. Năm nay, mặc dù kinh tế Việt Nam trong quý 3 vô cùng khó khăn, nhưng tôi nghĩ rằng GDP cả năm vẫn sẽ tăng trưởng trong khoảng từ 2-3% so với năm 2020.
Đây là mức rất cao so với hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Theo đó, thị trường chứng khoán cũng đã tăng trưởng ấn tượng trong 12-18 tháng qua. Động lực cho sự tăng trưởng được thúc đẩy mạnh mẽ từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Như vậy, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng kinh tế từ 5 – 7%, tương đương với mức tăng trước đại dịch.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, thường phản ánh trước 6 – 12 tháng so với thị trường thực. Với niềm tin rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng ở mức 5 đến 7% trong năm tới, thị trường chứng khoán đã vượt lên và tiến đến vùng 1.500 điểm, tính đến hôm nay.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán phản ánh rất sát sự tăng trưởng, cũng như mức độ phục hồi của GDP.
Ngoài ra, một yếu tố cần phải lưu ý là đồng nội tệ. Tỷ giá của VND so với USD đang có xu hướng tăng lên. Đây là tín hiệu tích cực cho cả các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như các nhà đầu tư nội địa.
Lãi suất thực vẫn ở mức dương. Nói cách khác, lãi suất tiền gửi tại ngân hàng cao hơn mức lạm phát. Chúng tôi gọi đó là lợi tức thực tế, và con số đang tương đối tích cực. Tất cả những điều đó góp phần tạo nên một đồng nội tệ rất mạnh, và chúng tôi thấy rằng nó sẽ tăng giá so với USD trong năm tới.
Tiếp xúc nhiều với các nhà đầu tư nước ngoài, theo ông, quan điểm đầu tư của họ vào nền kinh tế Việt Nam trước và sau đại dịch COVID-19 có thay đổi hay không?
Từ khía cạnh đầu tư của chúng tôi, cần chia ra 2 kiểu đầu tư nước ngoài. Đầu tiên là các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, như Samsung, LG, Intel, các công ty đa quốc gia đến Việt Nam đầu tư và họ đầu tư lâu dài.
Chúng tôi gọi đó là dòng tiền đầu tư lâu dài (sticky money). Những doanh nghiệp này xây dựng các nhà máy, tạo ra công ăn việc làm ở Việt Nam… Tôi cho rằng với nhóm các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, họ vẫn tiếp tục lạc quan vào triển vọng của Việt Nam.
Họ đánh giá những yếu tố như nhân khẩu học, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, tiềm năng sản xuất và xuất khẩu dài hạn của Việt Nam là rất mạnh. Vì vậy, "ông lớn" như Intel đến Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất và xuất khẩu chip ra toàn cầu. Họ cảm thấy Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và họ sẽ tiếp tục đến.
Ông Andy Ho phân tích về dòng vốn ngoại rời Việt Nam
Nhóm nhà đầu tư còn lại được gọi là FII - nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài. Như bạn có thể thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, họ đã rút tiền ra khỏi thị trường, nhiều hơn những gì họ đã đầu tư vào.
Tuy nhiên, đây không thực sự phản ánh bản chất của nền kinh tế Việt Nam. Nó chỉ phản ánh các lựa chọn và cơ hội mà các FII có trên khắp thế giới. Giả sử bạn là một nhà đầu tư ở New York, bạn có các lựa chọn đầu tư vào Mỹ, vào Pháp, Anh, Úc và Việt Nam… Và bởi vì đại dịch xuất hiện, cơ hội mở ra cũng rất nhiều.
Thị trường chứng khoán lúc lên, lúc xuống. Do đó, có rất nhiều cơ hội đầu tư trên khắp thế giới. Và những gì đã xảy ra là các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi Việt Nam và phân bổ vào các nền kinh tế khác.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trong vòng 6, 12 hoặc 18 tháng tới, các nhà đầu tư FII sẽ nhận thấy rằng: "OK, chúng ta đã kiếm đủ tiền từ những cơ hội này". Do vậy, họ sẽ quay lại đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vậy đại dịch COVID-19, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4 tác động ra sao đến dòng vốn chảy vào Việt Nam?
Dòng vốn đã có xu hướng rời đi, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút tiền ra, điều đó thực sự không thay đổi hồi quý 3/2021. Tôi nghĩ rằng sang năm 2022, xu hướng này sẽ thay đổi dần.
Tuy nhiên, cần lưu ý điều này. Khi các nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút tiền ra khỏi Việt Nam, nhà đầu tư trong nước thay thế một cách mạnh mẽ. Thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vào khoảng 1,2 đến 1,5 tỷ USD/ngày. Trong khi đó, cách đây 18 tháng, giá trị thanh khoản chỉ đạt từ 150 đến 250 triệu USD/ngày.
Như vậy các nhà đầu tư trong nước đã lấn át tác động tiêu cực từ việc nước ngoài rút ròng một cách đáng kể.