Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Chứng khoán VNDirect trao đổi trong Talkshow Phố Tài chính tối 28/11. Ảnh PTC.
Tháng 12 luôn được đánh giá là thời điểm vàng để nhà đầu tư nhìn lại danh mục đầu tư của mình nhằm chuẩn bị các phương án cho các giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên cuối năm nay với bối cảnh gia tăng sức ép về lãi suất trong và ngoài nước, áp lực về tỷ giá hay tổng cầu giảm đã đặt ra băn khoăn cho nhà đầu tư, rằng liệu thời điểm này có còn là thời điểm vàng như mọi năm hay không và nhà đầu tư nên làm gì vào lúc này?
Tại Talkshow "Phố Tài chính" mới đây, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà hầu như các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đang chịu sức ép từ lãi suất tăng, các điều kiện tài chính thắt chặt.
Bên cạnh đó, sau hàng loạt sự kiện xảy ra trên thị trường, hầu như các ngân hàng thương mại đang phải tăng cường khả năng thanh toán, các tổ chức tài chính đang tăng cường nền tảng phòng thủ. Vì vậy thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động từ dân cư tăng mạnh.
"Lãi suất huy động tiền gửi của một số ngân hàng có thể chạm mức 10%/năm. Các doanh nghiệp sẽ có khá ít cơ hội để tiếp cận với nguồn vốn nhằm tái cấu trúc các khoản vay và có thể thanh toán cho các khoản nợ trong ngắn hạn. Nhìn chung khi năm 2022 sắp kết thúc và bước sang năm 2023, nền kinh tế của chúng ta gặp khó khăn nhiều hơn", bà Hiền nhận định.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, dưới áp lực của những yếu tố trên, các thành viên tham gia thị trường đang có xu hướng tăng cường phòng thủ và tìm cách bán đi những tài sản có tính thanh khoản cao nhất, trong đó có chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Điều này gây ra sự sụt giảm về khối lượng giao dịch cũng như về điểm số ở trên thị trường chứng khoán.
"Thông thường nhiều tổ chức tài chính lớn đều lựa chọn quý cuối năm là thời điểm tái cơ cấu danh mục và giải ngân cho năm mới, bởi kết quả quý III cũng như bức tranh về kết quả kinh doanh của cả năm đã phần nào được lộ diện. Trong bối cảnh lãi suất đầu vào tăng lên thì kênh đầu tư chứng khoán sẽ mất bớt đi sức hấp dẫn, tuy nhiên sự tương quan này sẽ bị phá vỡ khi lợi nhuận của các doanh nghiệp trên thị trường tiếp tục tăng", bà Hiền nói.
Năm 2023, mặc dù có xu hướng đà tăng lợi nhuận đã suy yếu, song vị chuyên gia này dự đoán các doanh nghiệp niêm yết sẽ có mức lợi nhuận ghi nhận tăng từ 12 đến 14%. Với mức lợi nhuận này thì thu nhập từ thị trường chứng khoán sẽ rơi vào khoảng 14%, nghĩa là bắt đầu hấp dẫn hơn gửi tiền tiết kiệm.
Thêm nữa, từ đầu tháng 10 cho đến nay các nhà đầu tư nước ngoài rất tích cực giải ngân trên thị trường Việt Nam và tổng khối lượng mua ròng khoảng 8.000 tỷ, diễn biến này trái ngược hoàn toàn so với nửa đầu năm 2022. Gần đây ETF Fubon – một trong số những ETF lớn đầu tư vào Việt Nam còn có thông báo sẽ huy động khoảng 4.000 tỷ để tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam.
"Chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn được thời điểm này tài sản trên thị trường chứng khoán đã trở nên rất rẻ và bắt đầu giải ngân", chuyên gia chia sẻ
Chuyên gia VNDirect lưu ý, trong bối cảnh thanh khoản của thị trường tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa được dồi dào thì sóng ngành như những năm trước khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, cũng có một số ngành được hưởng lợi từ những động lực tăng trưởng của nền kinh tế, giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, khó khăn đã qua đi với nhóm ngành liên quan đến hàng không, đặc biệt liên quan đến việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế.
"Ngoài việc tập trung vào nhóm ngành thì cũng nên tập trung vào câu chuyện của từng cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể lựa chọn được những doanh nghiệp đầu ngành, rủi ro thấp đối với việc lãi suất tăng, có một cơ cấu tài chính vững mạnh và định giá khá hấp dẫn so với trung bình 3 năm gần đây", bà Hiền khuyến nghị.