Trong cuộc phỏng vấn ngày 24/8 với Nikkei Asian Review, Giám đốc Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông Vivek Pathak nhận định: "Chúng ta đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có trước đây".
Ông nhấn mạnh: "Không ai trong chúng ta có 'sách tham khảo', mà ai cũng đang học cách ứng phó".
"Điều quan trọng nhất bây giờ là đảm bảo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tồn tại. Vì đây là nhóm doanh nghiệp tạo ra số lượng lớn việc làm, đóng vai trò trụ cột của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực", ông Vivek Pathak khẳng định.
IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) đã tài trợ hơn 1 tỷ USD trong năm nay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng hàng triệu nông dân trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.
Trong đó, 554 triệu USD tài trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ khi kết thúc năm tài chính ngày 30/6/2020. Đồng thời, 492 triệu USD dành cho các quỹ tài trợ thương mại, ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, các công ty du lịch và chăm sóc sức khoẻ.
Vivek Pathak cũng cho biết sẽ có thêm nhiều các gói hỗ trợ được cung cấp trong năm nay.
Tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố dự báo kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương với mức tăng trưởng 0,5%, tốc độ chậm nhất kể từ năm 1967.
Theo đó, tác động của việc đóng cửa, giá cả hàng hóa sụt giảm, các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt đã khiến hầu hết các nền kinh tế trong khu vực (ngoại trừ Trung Quốc) rơi vào tình trạng suy thoái và gia tăng rủi ro do đợt bùng phát dịch bệnh kéo dài.
IFC tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Á do hầu hết hàng tỷ USD trong các gói kích thích kinh tế của chính phủ đều không đến được với các doanh nghiệp này và các ngân hàng thương mại đã phải "bất đắc dĩ" cấp thêm tín dụng do lo ngại các khoản vay tăng cao.
ông Vivek Pathak
Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, được biết đến là công ty phát triển BĐS uy tín tại Việt Nam, là một trong những doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của IFC để mở rộng các khoản hỗ trợ tài chính cho khách hàng, nhà cung cấp và nhà thầu.
IFC cũng đầu tư 175 triệu USD vào tập đoàn John Keells Holdings (JKH) của Sri Lanka để hỗ trợ sự phát triển của hoạt động siêu thị cũng như việc mở rộng và tân trang các khách sạn ở Sri Lanka và Maldives.
Đồng thời, IFC đã hỗ trợ Ngân hàng Maldives trong việc nâng cao khả năng thanh khoản cho lĩnh vực du lịch cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19.
Pathak chỉ ra khoảng 270 triệu USD đã được cung cấp cho 6 ngân hàng ở Sri Lanka, Việt Nam, Campuchia và Bangladesh nhằm hỗ trợ 17.500 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa và các công ty trong khu vực thông qua chương trình Các Giải pháp Vốn Lưu động (WCS) của IFC.
Theo ông Vivek Pathak, IFC hiện đang làm việc với các cơ quan chức năng khu vực châu Á nhằm cải thiện hệ thống quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn về tài chính.
Trong năm tài chính mới, IFC đang nỗ lực phục hồi thị trường sản phẩm khu vực châu Á, đồng thời xóa bỏ các rào cản đối với hoạt động của khu vực tư nhân. Ngoài ra, IFC cũng đang làm việc với các tổ chức du lịch nhằm thúc đẩy du lịch trong nước, bù đắp phần thiệt hại do thiếu hụt khách quốc tế.
Giám đốc Vivek Pathak nêu rõ IFC đang làm việc với chính phủ các nước và các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tác động từ sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.
Ông cho biết: "Ban đầu, chính phủ các nước chỉ quan tâm đến việc 'Làm thế nào để nâng cao khả năng thanh khoản và hỗ trợ nền kinh tế?'. Tuy nhiên, câu hỏi thực sự cần phải đặt ra đó là: 'Làm thế nào để chúng ta giữ ổn định nền kinh tế?'. Một khi chúng ta rơi xuống đáy, chúng ta có thể tìm ra được nhiều biện pháp kích thích hơn".