"Tôi tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam như một con hổ đang dần trưởng thành từ hiện tại qua đến tương lai". Đây là câu nói mở đầu của ông Mathew Smith, CFA, Giám đốc nghiên cứu Chứng khoán Yuanta Việt Nam khi đánh giá về triển vọng của thị trường trong thời gian tới.
Cụ thể, ông Mathew Smith cho rằng mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những dấu hiệu của giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng, song tín hiệu "uptrend" trong năm 2022 vẫn có. Và động lực thúc đẩy sẽ xuất phát từ ba yếu tố gồm EPS của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng trưởng nhờ môi trường kinh tế thuận lợi, thanh khoản tăng mạnh và yếu tố tâm lý nhà đầu tư cá nhân cũng như nhận thức đầu tư tài chính được nâng cao.
Nguôn Hội thảo trực tuyến của Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Trích dự phóng của Bloomberg, EPS sẽ tăng khoảng 25% cho năm và 21% cho 2023. Yuanta cũng có dự phóng cho danh mục 25 công ty với EPS kỳ vọng tăng trưởng 21% cho 2022 và 20% cho 2023.
Vị chuyên gia đến từ Yuanta Việt Nam cũng minh chứng khi vào năm 2018 hồi ông bắt đầu nghiên cứu về chứng khoán tại Việt Nam, số lượng tài khoản chứng khoán chỉ vào khoảng 1,5 triệu tuy nhiên hiện nay con số này đã tăng vượt ngưỡng 4 triệu tài khoản, cho thấy tốc độ gia tăng chóng mặt của lực lượng nhà đầu tư cá nhân mới.
Ông Matthew Smith đưa ra kịch bản cơ sở với dự báo chỉ số VN-Index sẽ đạt mức 1.898 điểm vào tháng 12/2022, tăng 21% so với hiện tại, tương đương mức P/E 14,9 lần, ngang với trung bình 3 năm.
Lâu nay, Việt Nam hay được ví von với thị trường Đài Loan vào khoảng những năm 1986 về tỷ lệ nhà đầu tư tham gia, GDP, thu nhập bình quân.... Với kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực nghiên cứu phân tích đầu tư tại các thị trường Châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan hay Việt Nam, ông Matthew Smith đồng ý với quan điểm có sự tương đồng rất lớn giữa Việt Nam ngày nay và Đài Loan giai đoạn 1980s – 1990s.
"Đa số người dân châu Á đều có thích thú hay có tâm lý mang tên "thích đánh cược", mức độ chấp nhận rủi ro là lớn. Điều này sẽ là yếu tố có thể giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phát triển mạnh hơn trong tương lai như các thị trường châu Á đi trước", ông Matthew Smith cho hay.
Tuy vậy, vẫn có sự khác biệt giữa Việt Nam và Đài Loan, đó là sự phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế cũng như chất lượng cổ phiếu trên các sàn chứng khoán của hai thị trường.
Bổ sung thêm, ông Yen, Chen – Hui, Giám đốc chiến lược Yuanta Investment Consulting, Đài Loan cho biết các doanh nghiệp Đài Loan đang phát triển mạnh trong các lĩnh vực sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Khi các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến thị trường Đài Loan, điều thu hút là các công ty khởi nghiệp, các công ty sản xuất công nghệ cao hay tham gia đầu tư xu hướng mới như 5G, trí tuệ nhân tạo AI, xe điện,… "Họ chỉ quan tâm đến định giá cổ phiếu mà không cần lo về các yếu tố cơ bản khác", ông Yen, Chen – Hui chia sẻ.
Về câu chuyện lạm phát, ông Yen, Chen - Hui đánh giá lạm phát sẽ cao hơn trong 2022, song nhà đầu tư hãy bình tĩnh trước lạm phát và đừng vội lo ngại về suy thoái. “Các nhà đầu tư cá nhân hãy tập trung đầu tư vào các công ty có khả năng tạo ra dòng tiền mạnh và ổn định".
Về việc bán ròng mạnh trên thị trường Việt Nam liên tiếp trong hai năm qua của khối ngoại, ông Yen, Chen - Hui đánh giá mục đích ở đây là tái cân bằng tài chính, khi một thị trường tăng vượt tỷ trọng danh mục thì họ sẽ bán bớt và nhà đầu tư chỉ nên lo lắng khi khối ngoại liên tục bán ra cổ phiếu trong bối cảnh thị trường đi xuống. Các F0 cũng không nên "chạy theo" giao dịch khối ngoại bởi lẽ nhà đầu tư nước ngoại thường không quá nghiên cứu kỹ thị trường và chỉ quan tâm đầu tư các cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn.