Trong tháng 9, Đức đã viện trợ Việt Nam hơn 3 triệu liều vaccine AstraZeneca để chống dịch. Đây là số lượng vaccine tương đối lớn, và nhiều nhất trong số các quốc gia EU đã viện trợ cho Việt Nam đến nay. Đại sứ có thể cho biết, công tác ngoại giao vaccine của Đại sứ quán tại Đức bắt đầu từ khi nào?
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ:
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã xác định công tác ngoại giao vaccine là ưu tiên hàng đầu và tập trung triển khai vận động các Bộ, ngành, các địa phương và doanh nghiệp Đức, cao điểm nhất là trong 3 tháng vừa qua.
Những nỗ lực của Đại sứ quán trong công tác vận động vaccine và trang thiết bị y tế đã được một số kết quả tích cực. Cho đến nay, Chính phủ Đức đã cam kết hỗ trợ cho Việt Nam tổng cộng 3,35 triệu liều vaccine cùng số trang thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 20 tỷ đồng gồm 75 chiếc máy thở, 15 màn hình theo dõi bệnh nhân, 20.000 máy đo nồng độ oxy.
Riêng 852.480 liều vaccine AstraZeneca Đức viện trợ cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX của Liên Hợp Quốc đã về tới Hà Nội ngày 16/9/2021 và 2,5 triệu liều vaccine do Đức viện trợ song phương đã về Việt Nam ngày 26/9, đáp ứng kịp thời cho công tác phòng chống dịch ở trong nước.
Ngoài ra, đáp lại lời kêu gọi của Đại sứ quán, các bang, địa phương và các doanh nghiệp Đức cũng đã ủng hộ tổng cộng hơn 800.000 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19, 15 máy thở, 30 màn hình, hàng trăm ngàn khẩu trang y tế và nhiều trang thiết bị y tế khác.
Theo ông, vì sao Đức lại viện trợ Việt Nam số lượng lớn vaccine như vậy? Quan hệ Việt - Đức đóng vai trò thế nào trong quyết định viện trợ "khủng" này?
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ:
Năm 2021, Việt Nam và Đức kỷ niệm 10 năm ngày thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Quan hệ hai nước đã và đang phát triển rất tốt đẹp ở cả bề rộng lẫn chiều sâu. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ. Năm 2020, Việt Nam đã vượt Malaysia và Singapore để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á, còn Đức tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU trong nhiều năm qua.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương nhận được vaccine viện trợ của Đức. Với khoảng 3,35 triệu liều vaccine, Đức là nước hỗ trợ Việt Nam số lượng vaccine nhiều nhất trong Liên minh châu Âu. Đây cũng là số lượng vaccine viện trợ song phương lớn nhất tới giờ của Đức dành cho một quốc gia ngoài EU.
Số lượng vaccine và trang thiết bị y tế mà Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp Đức viện trợ cho Việt Nam vào thời điểm khó khăn này trước hết là thể hiện tình cảm, tình đoàn kết của Chính phủ và nhân dân Đức đối với Việt Nam, và cũng là để đáp lại tình cảm, sự hỗ trợ của Chính phủ, nhân dân Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở Đức đối với nước Đức trong giai đoạn đầu của đại dịch.
Đồng thời, qua nghĩa cử này, Đức cũng mong muốn hỗ trợ Việt Nam với tư cách là một Đối tác chiến lược quan trọng, một trong những thị trường hàng đầu của Đức ở khu vực ASEAN, sớm vượt qua được khó khăn của đại dịch, giúp quan hệ hai nước tiếp tục phát triển cùng có lợi, góp phần vào thịnh vượng chung của hai khu vực.
Nguồn vaccine trên thế giới đều rất khan hiếm. Thời gian đầu, lượng vaccine chúng ta nhận về qua cơ chế COVAX khá chậm do Việt Nam đã chống dịch thành công giai đoạn đầu. Vậy Đại sứ quán đã tiếp cận thế nào để có được nguồn vaccine cho Việt Nam?
Nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều loại vaccine ngừa Covid-19 đã được nghiên cứu và phát triển thành công. Tuy nhiên, kể từ khi vaccine đầu tiên ngừa Covid-19 được cấp phép sử dụng đến nay mới chỉ có 9 tháng, trong khi đó, rất nhiều biến chủng của virus Covid-19 đã xuất hiện khiến dịch bệnh lây lan nhanh ở diện rộng trên khắp thế giới.
Nguồn cung vaccine rất hạn chế do một số nguyên nhân như thiếu nguyên liệu sản xuất vì chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch, năng lực sản xuất của các nhà cung cấp vaccine có giới hạn và nhất là hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang có nhu cầu đối với vaccine ngừa Covid-19.
Kể cả ở Đức, quốc gia đi đầu trong nghiên cứu và đạt được thành công sớm nhất trong phát triển vaccine ngừa Covid-19, cho đến tháng 7/2021 cũng mới đủ vaccine để tiêm chủng cho người dân.
Hơn nữa, Đức chủ trương theo cách tiếp cận đa phương trong việc chia sẻ vaccine, do vậy chính sách của Đức là thông qua cơ chế COVAX để hỗ trợ cho các nước.
Đại sứ quán đã tìm cách tiếp cận nguồn vaccine thông qua nhiều hình thức khác nhau như tiếp xúc, vận động, thuyết phục Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng của Đức xem xét cung cấp vaccine cho Việt Nam; tiếp xúc, thuyết phục các Công ty dược phẩm của Đức (Biontech, CureVac…) cung cấp vaccine, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc chữa Covid-19 cho Việt Nam; vận động các bang cũng như các Hiệp hội doanh nghiệp của Đức, đặc biệt là các Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam lên tiếng kêu gọi Chính phủ Đức hỗ trợ cho Việt Nam; vận động các cơ quan chức năng của Đức xem xét, điều chỉnh chính sách về viện trợ vaccine song phương, nhất là giai đoạn Đức bắt đầu dư thừa vaccine khi phần đông dân số đã được tiêm chủng…
Trong quá trình tiếp cận nguồn vaccine, Đại sứ có gặp khó khăn gì và đã giải quyết thế nào?
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ:
Quá trình tiếp cận nguồn vaccine có thể nói rằng có nhiều "nút thắt" và chúng tôi đã nỗ lực để tháo gỡ những nút thắt này từng chút một.
Trở ngại lớn nhất đó là chính sách về vaccine của Chính phủ Đức. Chính phủ liên bang chịu trách nhiệm mua, quản lý và điều phối toàn bộ vaccine ở trong nước Đức. Trong quá trình vận động, nhiều bang, địa phương, tổ chức của Đức ngỏ ý sẵn sàng viện trợ vaccine cho Việt Nam nếu được Chính phủ cho phép, tuy nhiên đã không thực hiện được do vướng nhiều quy định, trong đó bao gồm những quy định trong hợp đồng đã ký với các nhà cung cấp vaccine về việc vận chuyển, đảm bảo an toàn của vaccine khi được chuyển sang nước thứ ba....
Thêm vào đó, như tôi đã chia sẻ ở trên, Đức có chính sách hỗ trợ các quốc gia khác thông qua cơ chế COVAX, chứ không ưu tiên hỗ trợ vaccine song phương; với 2,2 tỷ Euro Đức là nước đóng góp lớn thứ 2 cho cơ chế này.
Trước tình hình đó, Đại sứ quán đã kiên trì tiếp xúc, vận động, thuyết phục Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, là các cơ quan trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ Đức về vấn đề vaccine, cũng như các cơ quan chức năng khác của Đức xem xét cung cấp trực tiếp vaccine cho Việt Nam thông qua COVAX và điều chỉnh chính sách về viện trợ vaccine song phương để hỗ trợ Việt Nam bảo đảm sức khỏe của toàn dân cũng như sớm đưa cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường, nối lại hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp, chủ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Đức.
Điều tôi ấn tượng và cảm thấy rất xúc động trong quá trình vận động vaccine đó là tình cảm, sự yêu mến của bạn bè Đức đối với Việt Nam và tấm lòng chia ngọt sẻ bùi của cộng đồng người Việt Nam ở Đức dành cho quê hương và đồng bào trong nước.
Qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi, các Bộ, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp Đức đều chia sẻ với công cuộc chống dịch ở Việt Nam, nhiệt tình giúp đỡ Đại sứ quán trong việc kết nối với các Công ty dược phẩm, nhà cung cấp vaccine, ủng hộ cuộc vận động vaccine và trang thiết bị của Đại sứ quán. Các đối tác, bạn bè Đức đánh giá cao tầm quan trọng của nền kinh tế cũng như vai trò địa chính trị của Việt Nam trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bày tỏ tin tưởng và mong muốn Việt Nam sớm vượt qua được đại dịch và cùng thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong tương lai.
Cộng đồng người Việt Nam ở Đức cũng đã những đóng góp tích cực cho công cuộc chống dịch ở trong nước. Đến nay, cộng đồng đã quyên góp được hơn 50.000 Euro cho Quỹ vaccine cùng hàng trăm nghìn khẩu trang, quần áo bảo hộ gửi tặng Việt Nam, trong đó có nhiều cá nhân đã ủng hộ hàng triệu bộ kit xét nghiệm nhanh chuyển về Việt Nam.
Bên cạnh những hỗ trợ về vật chất, trang thiết bị y tế, nhiều chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức thời gian qua cũng đã tích cực hỗ trợ Đại sứ quán kết nối với các công ty dược phẩm, các tập đoàn cung cấp trang thiết bị y tế của Đức, thông tin tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Đức về cuộc vận động của Đại sứ quán.
Trong hơn một năm qua, cả thế giới đã phải đối mặt với nhiều đợt bùng phát đại dịch Covid-19 và đang phải đương đầu với nhiều thách thức do đại dịch chưa từng có trong lịch sử mang lại. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển cũng đang phải gánh chịu những ảnh hưởng tiêu cực do Covid-19 gây ra, trong đó có những tổn thất lớn về sinh mạng con người và thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Ngay cả ở Đức, quốc gia có hệ thống y tế thuộc top hiện đại và tốt nhất trên thế giới, tính từ đầu dịch đến nay đã ghi nhận hơn 4,1 triệu ca nhiễm Covid-19 với gần 93.000 ca tử vong. Hiện nay, mỗi ngày Đức vẫn đang ghi nhận trung bình vài nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày.
Thực tế đã cho thấy tiêm chủng là giải pháp bền vững để giúp chiến thắng đại dịch. Thời gian qua, Tổ chức Y tế thế giới đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt tình trạng "chủ nghĩa dân tộc vaccine" nhằm đảm bảo cho các nước nghèo hơn có thể tiếp cận vaccine một cách công bằng, bởi đại dịch sẽ không thể bị ngăn chặn hoàn toàn trên toàn cầu nếu chỉ một số ít quốc gia kiểm soát được đại dịch.