Sau chương trình Shark Tank tập 1 mùa 5 được phát sóng ngày 7/6 vừa qua, Shark Hưng đã có những chia sẻ thêm về deal Jungle Boss - mô hình kinh doanh mạo hiểm thám hiểm hang động.
Trước hết, Jungle Boss là mô hình kinh doanh không thuần túy. Nó độc đáo và đặc biệt vì dựa trên tài nguyên địa thế để khai thác du lịch. Đó là những vách núi, địa hình, địa thế.. Không phải dễ dàng xin được giấy phép du lịch ở những khu vực này. Phải có bằng cấp, chứng chỉ, giấy phép,.. và các bạn Jungle Boss đã làm được việc đó.
Bên cạnh đó, CEO của startup học ở nước ngoài về, hiểu về bảo tồn, về du lịch mạo hiểm và đây là 1 nhóm sản phẩm đặc thù, không phải du lịch đại trà, đại chúng, ai cũng tham gia được. Nó có khả năng phát triển bền vững.
Tuy đánh giá cao tính độc đáo của mô hình kinh doanh nhưng Shark Hưng cho biết còn chưa hài lòng, phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần về bức tranh tài chính của công ty.
"Tổng tài sản là bao nhiêu, vốn chủ tăng hay giảm, các bạn ấy không nắm chắc vấn đề này. Nhưng cái đó chúng tôi có thể giúp được khi tham gia. Vì hiện nay bạn Founder đang nắm đến 80% cổ phần nên có lẽ bạn ấy hơi chủ quan không nắm được việc này," Shark Hưng nói.
Shark Phạm Thanh Hưng
Shark Hùng Anh là người trả giá đầu tiên với mức định giá doanh nghiệp khoảng 24 tỷ đồng. Nên nhớ, mức định giá theo gọi vốn của CEO Jungle Boss là 120 tỷ đồng (12 tỷ đồng cho 10% cổ phần).
Là người ra giá thứ hai, Shark Hưng khá dễ dàng đưa ra mức định giá công ty là 30 tỷ đồng (12 tỷ đồng cho 28,5% cổ phần) cao hơn Shark Hùng Anh.
Trước đó, CEO của Jungle Boss cho biết, năm 2018 doanh thu công ty là 18 tỷ đồng, lợi nhuận 4 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu là 23 tỷ đồng, lợi nhuận 5 tỷ đồng.
Dựa trên lợi nhuận, Shark Bình đưa ra mức định giá với hệ số ngành tổ chức tour là 13, định giá công ty vào khoảng 65 tỷ đồng (13x5). Tính nháp vậy, nhưng khi đưa ra con số, Shark Bình chỉ đề nghị 12 tỷ cho 25% cổ phần, tương đương định giá 48 tỷ đồng.
Ngay sau đó, Shark Hùng Anh đã thể hiện mong muốn có được Startup này bằng cách tăng định giá lên 66,7 tỷ đồng (20 tỷ đồng cho 30% cổ phần).
Cuộc chiến giữa các Shark ngày càng "nóng" hơn khi Shark Hưng quyết định sử dụng đến Golden Ticket và Shark Hùng Anh cũng không ngần ngại "tham chiến".
Sau màn trả giá đầy gay cấn tăng giá trị thẻ vàng từ mức 100 triệu đồng lên đến 400 triệu đồng, chung cuộc Shark Hưng là người chiến thằng và giành được cái bắt tay của Jungle Boss với con số 12 tỷ cho 25% cổ phần, tương đương định giá 48 tỷ đồng.
Shark Hưng có chốt 1 câu " Tôi sẽ trả cho cái Golden Ticket này 400 triệu và nếu tôi thắng, sẽ mời Hùng Anh tham gia cùng". Câu khẳng định nhận được sự tán thưởng của Shark Hùng Anh " Em sẽ ngưng, không đấu với anh nữa".
Shark Phạm Thanh Hưng và CEO kiêm Founder của Jungle Boss
Khi được hỏi lý do vì sao muốn hợp tác cùng Shark Hùng Anh, Shark Hưng cho biết " Để triển khai tốt được hoạt động kinh doanh này cần có sự hợp tác triển khai của Shark Hùng Anh. Shark Hùng Anh có lợi thế làm về du lịch. Đặc biệt là khách nước ngoài, vì Shark Hùng Anh chủ yếu là khách inbound (khách nước ngoài đến Việt Nam). Nếu kết hợp được với Shark Hùng Anh thì rất tuyệt vời vì tận dụng được hệ sinh thái đó", vị cá mập này đánh giá.
"Jungle Boss hiện đang thiếu chính điều đó, các bạn mới đang ngồi chờ và cách tiếp cận duy nhất thông qua Internet và các khách ở Việt Nam là chính".
"Chưa kể Shark Hùng Anh cũng có ý định mở rộng mô hình này ra các địa bàn khác, trong đó có quê hương Quảng Nam của Hùng Anh. Do vậy tôi đã quay sang đề nghị shark Hùng Anh hợp tác, thay vì đối đầu", Shark Hưng chia sẻ.
Đúng như Shark Hưng tính toán, trong các vị cá mập năm nay, Shark Hùng Anh là người có lợi thế nhất về làm du lịch. Cách đây 3 năm Shark Hùng Anh đã đầu tư vào Travelner, đây là 1 ứng dụng đồng thời là nền tảng booking OTA (online travel agent), hỗ trợ booking, vé khách sạn, thuê xe...
Khi được hỏi về việc sẽ hợp tác với Shark Hưng để cùng đầu tư cho Jungle Boss, Shark Hùng Anh trả lời " Tôi và Shark Hưng có thể cộng tác được với nhau deal này. Tuy mới là bước thỏa thuận sau chương trình, nhưng tôi hi vọng tôi sẽ cộng tác được với Shark Hưng. Cho đến giờ vẫn chưa nói được gì vì thực sự khi đầu tư, tôi muốn sở hữu ít nhất 25% -30% để có tiếng nói trong doanh nghiệp và có thể điều chỉnh lại theo mong muốn của mình. Tôi vẫn để room cho startup có động lực, nhưng nếu nhỏ quá thì tôi cũng không có động lực, giống như các bạn kia."
Chúng ta cùng chờ kết quả cụ thể cho sự đồng hợp tác sau một thời gian nữa.