Dmitry Agarkov là một doanh nhân làm việc tại Moscow. Anh có thói quen kiểm tra hòm thư của mình ngay khi vừa đi làm về. Và hầu hết, chúng đều là thư rác.
Nhưng lần này, anh phát hiện ra một bức thư chứa đơn đề nghị đăng ký thẻ tín dụng từ Ngân hàng Tinkoff.
Ngân hàng này quảng cáo lãi suất thẻ là 0%. Nhưng khi nhìn kỹ hơn, rõ ràng tỷ lệ thực là 43%. Điều này không có gì bất thường, bởi rất nhiều công ty thẻ tín dụng khác cũng làm như vậy. Thế nhưng nó lại có thể thu hút sự chú ý của Dmitry.
Trong đầu anh ta nảy ra một ý tưởng thú vị và ngay lập tức bắt tay vào thực hiện.
Anh lên trang web chính thức của ngân hàng và tải về một bản hợp đồng đăng ký thẻ tín dụng. Sau đó tiến hành thay đổi các điều khoản thỏa thuận, khéo léo chỉnh sửa đảm bảo phông chữ và văn bản khớp với bản hợp đồng gốc.
Thẻ tín dụng bây giờ sẽ có lãi suất 0% vô thời hạn. Anh cũng viết thêm: "Khách hàng không có nghĩa vụ phải trả bất kỳ khoản phí hay lệ phí nào do biểu thuế ngân hàng áp đặt."
"Tấn công" ngân hàng
Ngoài việc chỉnh sửa hợp đồng, anh còn chuẩn bị thêm một số phương án dự phòng nếu ngân hàng khởi kiện, yêu cầu thanh toán lãi suất hoặc thực hiện điều chỉnh hợp đồng nói trên. Nếu hủy bỏ hợp đồng, ngân hàng sẽ nợ Dmitry một khoản phí ít nhất 6 triệu rúp (tương đương 182.000 USD vào thời điểm đó).
Agarkov đã ký vào bản hợp đồng của mình và gửi nó đến ngân hàng qua đường bưu điện. Anh không quá kỳ vọng họ sẽ mắc sai lầm và ký nó. Tuy nhiên, anh biết mình có cơ hội, do mỗi ngày có rất nhiều đơn đăng ký thẻ tín dụng như vậy được gửi đến và có thể một giây phút cẩu thả nào đó sẽ khiến họ phạm lỗi.
Hai tuần sau, anh nhận được thẻ tín dụng và hợp đồng xác nhận giao dịch. Dmitry đã nghĩ: sẽ không có một bản hợp đồng thẻ tín dụng nào tốt hơn trên thế giới. Và chắc chắn, nhân viên ngân hàng ký vào bản thỏa thuận này cũng sẽ bị sa thải ngay khi nó bị phát hiện.
Dmitry thoải mái sử dụng chiếc thẻ này mà không có vấn đề gì. Tuy nhiên, 2 năm sau, anh gặp một số vấn đề trong kinh doanh và không thể chi trả cho các khoản cần thanh toán của mình.
Nhận thấy khách hàng đang gặp khó khăn, ngân hàng lập tức hủy thẻ tín dụng và đưa ra một thông báo pháp lý rằng anh ta đang bị khởi kiện với số tiền 1363 USD. Và thế là cái bẫy đã được giăng ra.
Pháp lý can thiệp
Dmitry từ chối trả tiền và đưa ngân hàng này ra tòa.
Họ bào chữa rằng: "Chúng tôi thực sự chưa đọc kỹ bản hợp đồng trước khi ký."
Hãy nghĩ một cách đơn giản: Ngân hàng gửi cho khách hàng là Dmitry đơn đăng ký và anh ấy đã gửi lại đơn tại quầy. Ngân hàng đã ký nó. Và đó hoàn toàn là một giao dịch bình thường.
Thẩm phán đưa ra quyết định rằng: Dmitry chỉ phải trả lại số tiền ban đầu còn nợ là 575 USD. Đối với ngân hàng, đây hẳn là một khoản thanh toán vô cùng ngu ngốc, không những không có lãi, họ còn phải tự móc hầu bao của mình ra để cho khách hàng.
Vẫn chưa hài lòng, Dmitry tiếp tục khởi kiện ngân hàng này với số tiền 727.000 USD, với lý do: họ vi phạm một điều khoản trong hợp đồng, rằng đã yêu cầu anh chi trả lãi suất thẻ tín dụng (727.000 USD đã bao gồm tiền bồi thường thiệt hại và phí pháp lý).
Vụ việc này nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới truyền thông nước Nga. Và gây ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng và uy tín của Ngân hàng Tinkoff (hay còn gọi là Hệ thống tín dụng Tinkoff).
Để tránh thua kiện, hệ thống Tinkoff đã quyết định hòa giải. Họ đưa cho Dmitry một khoản tiền, con số chính xác không được tiết lộ, nhưng có lẽ đó là một số tiền lớn.
Khám phá kỳ lân Sky Mavis của VIệt Nam: Startup game với đội ngũ vỏn vẹn 40 người có gì mà được định giá tới 3 tỷ USD?