Nhiều doanh nghiệp có quy mô khiêm tốn nhưng được giới đầu tư biết đến rộng rãi nhờ tỷ suất lợi nhuận rất cao, lợi nhuận tuyệt đối thậm chí ngang ngửa tập đoàn lớn. Đó là các doanh nghiệp có giá trị cốt lõi bền vững.
Điểm sáng doanh nghiệp nhỏ 2021
Cổ phiếu L14 của Công ty CP Locogi 14 ghi nhận một cú bứt phá ngoạn mục trong phiên sáng 17/1, có lúc tăng thêm khoảng 10% lên 479.000 đồng/cp. Đây là mức giá cao chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Locogi 14 có quy mô khá nhỏ, với 26,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tương đương mức vốn điều lệ chỉ khoảng 268 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức vốn hóa nghìn tỷ đồng của các DN tầm trung trên sàn và vài chục nghìn tỷ đồng của các DN tốp đầu.
Nhưng đây lại là một hiện tượng đặc biệt nổi bật trên sàn chứng khoán sau cú tăng phi mã từ xấp xỉ 50.000 đồng/cp vào hồi tháng 1/2021 lên trên dưới 400.000 đồng/cp, vượt qua các cổ phiếu mà thị giá đứng đầu thị trường nhiều năm nay như VEF của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (hơn 200.000 đồng/cp) hay VCF của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang (250.000 đồng/cp).
Locogi 14 bật tăng thành cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất trên sàn chứng khoán sau khi ước tính lợi nhuận trước thuế 2021 tăng gấp hơn 10 lần so với trong năm 2020, lên mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động: 436 tỷ đồng. DN vượt 3,3 lần kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm.
DN bé hạt tiêu: Lợi nhuận ngang ngửa tập đoàn lớn |
Một DN có quy mô không lớn - CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) - cũng là điểm sáng trên TTCK gần đây. Khoảng một năm qua, cổ phiếu HAH cũng tăng khá mạnh, gấp khoảng 3 lần, từ mức dưới 20.000 đồng/cp lên mức 60.000-70.000 đồng/cp như hiện tại. Thanh khoản khá cao và DN trả cổ tức đều đặn.
Vận tải và Xếp dỡ Hải An ghi nhận lợi nhuận đạt 389 tỷ đồng trong năm 2021, tăng gấp 4 lần so với năm trước đó và cao gấp 2,5 lần so với mục tiêu đề ra. Đó là nhờ sản lượng và giá cước vận tải tăng. Bên cạnh đó, DN còn thu được khoản chênh lệch lớn từ bán toàn bộ cổ phiếu quỹ với giá bình quân gấp hơn 7 lần mệnh giá trong khi đầu tư ở mức thấp.
Nhiều DN nhỏ khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, như Thủy điện miền Nam (SHP) lợi nhuận 2021 đạt 265 tỷ đồng, tăng 300% so với năm trước. Trong khi Sợi Thế Kỷ (STK) đạt 260 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 81%.
Trên TTCK, không ít DN được nhận danh "bé hạt tiêu" nhưng có kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng. Ghi dấu ấn trong ngành in ấn là Công ty CP In số 4 (IN4). DN này có quy mô vốn chỉ 12 tỷ đồng, nhưng đều đặn chia cổ tức 30-50% trong nhiều năm gần đây.
IN4 có thị giá cao, duy trì ở quanh mức 100.000 đồng/cp. Hàng năm, DN có thu nhập trên cổ phiếu (EPS) từ khoảng 5.500-7.700 đồng/cp.
Hầu hết các DN có kết quả kinh doanh ấn tượng, vượt qua đại dịch trên đều có điểm chung là quy mô nhỏ gọn, hoạt động tập trung nhưng linh hoạt trong mảng cốt lõi và tình hình tài chính khỏe mạnh. Các DN này phát triển khá bền vững và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, không hề kém so với các cổ phiếu trụ cột trên TTCK, nhờ vào giá trị mang lại cho các cổ đông.
Ấn tượng DN ngành nghề lạ
Thị trường cũng ghi nhận nhiều DN quy mô rất nhỏ nhưng có ngành nghề đặc biệt, hoạt động cốt lõi tốt và phát triển bền vững.
Công ty CP Nông lâm sản Thực phẩm Yên Bái (CAP) là DN sản xuất, xuất khẩu vàng mã sang Đài Loan và Trung Quốc. DN này có tỷ suất lợi nhuận rất cao và có giá cổ phiếu tăng mạnh, lên cao không thua kém cổ phiếu của các tập đoàn lớn đầu ngành.
Triển vọng kinh tế tốt mang đến cơ hội cho nhiều DN Việt. |
Công ty này vừa ghi nhận một đợt tăng giá mới từ đầu tháng 9 tới nay. Trong năm 2021, cổ phiếu CAP tăng hơn gấp đôi, từ mức dưới 40.000 đồng/cp lên quanh mức 90.000 đồng/cp như hiện tại. DN ghi nhận lợi nhuận mỗi tháng hơn 4 tỷ đồng, dù quy mô vốn chỉ 50 tỷ. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt rất cao, khoảng 7.000 đồng/cp.
CAP thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ rất cao, khoảng từ 35-45% mỗi năm - cao hơn nhiều các tập đoàn bất động sản lớn và ngang ngửa các DN có lịch sử trả cổ tức cao như Vinamilk (VNM).
Trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư cũng ghi nhận nhiều DN ngành nghề lạ nhưng có kết quả ấn tượng như: CTCP Siam Brothers Việt Nam (SBV) chuyên sản suất dây thừng, lưới đánh cá; Công ty chuyên cung cấp đầu lọc thuốc lá Cát Lợi (CLC), công ty sản xuất bao cao su Merufa (MRF)...
TTCK hiện có khoảng 1.400 công ty, DN niêm yết cổ phiếu trên ba sàn HOSE, HNX và UPCOM. Không ít DN có quy mô rất nhỏ nhưng có kết quả kinh doanh ấn tượng và trả cổ tức cao, như Công ty CP Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng - CICO (DCI), VinaCafe Biên Hòa (VCF), Bến xe Miền Tây (WCS), Vinaxad, Giấy Việt Trì, Dầu Tường An, FPT Online, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên...
CTCP Bến xe Miền Tây (WCS) trả cổ tức 2019 lên tới 400%, và 2020 với 516%. Đây là năm thứ hai liên tiếp WCS giữ vị trí dẫn đầu về trả cổ tức cao nhất trên sàn chứng khoán.
Không ít DN có quy mô vừa và nhỏ làm ăn tốt và duy trì trả cổ tức tiền mặt cao và đều “như vắt chanh” trong nhiều năm qua như: SZL, LHG, NBP, DRL, GHC.
Cổ phiếu Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (DCI) có thị giá chỉ 1.300 đồng, nhưng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) hơn 32.000 đồng và từng chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 288%. Gần đây DCI không còn duy trì là công ty đại chúng do vốn điều lệ quá thấp, chỉ hơn 24 tỷ đồng, thấp hơn mức tối thiểu là 30 tỷ đồng theo quy định mới tại Luật Chứng khoán 2019.
Mặc dù quy mô không lớn gần đây, nhiều DN đã lọt tầm ngắm của các tổ chức lớn.
Nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa mua thêm 200.000 cổ phiếu HAH để nâng sở hữu từ 6,6% lên 7% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 7/1/2022. Năm nay, HAH đặt mục tiêu kinh doanh 1.661 tỷ đồng doanh thu và 157,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Gần đây, nhiều tập đoàn lớn phát triển rất mạnh, quy mô vốn hóa thị trường lên tới hàng chục tỷ USD. Đây là một xu hướng tích cực, giúp các DN lớn có thể cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài ngay tại thị trường trong nước cũng như vươn ra nước ngoài, “cắm cờ” ở những thị trường phát triển.
Tuy nhiên, không phải DN nào tăng vốn với tốc độ nhanh, tăng quy mô thần tốc cũng hoạt động hiệu quả. Áp lực mở rộng, đặc biệt mở sang nhiều ngành nghề khác nhau, có thể khiến DN gặp khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng lợi nhuận. Ngoài ra, nền kinh tế cũng cần đến nhiều DN quy mô nhưng hoạt động hiệu quả và bền vững trong những lĩnh vực nhỏ, thị trường ngách, đảm bảo sự phát triển đa dạng và hiệu quả nhất.
M. Hà