Dịp Tết năm nay, nhiều nhân viên ngân hàng cảm thấy "nhẹ gánh" khi số lượng khách nhờ đổi tiền lẻ, tiền mới giảm mạnh so với mọi năm.
Nói với Dân trí, anh N.H, một nhân viên ngân hàng ở Thái Nguyên, cho biết anh cảm thấy "nhẹ gánh" trong Tết Nguyên đán năm nay khi chỉ có lác đác khách hàng nhờ anh đổi tiền mới. Không giống như các năm trước, từ 23 tháng Chạp, anh H. phải đau đầu khi liên tục khách hàng, người quen, bạn bè gọi điện đến nhờ đổi tiền mới.
"Mọi năm, cứ cận Tết, tôi đến đau đầu khi mọi người nhắn tin, gọi điện thúc giục đổi tiền mới. Có ngày tôi phải nhận tới 10 - 15 cuộc gọi nhắn nhủ, dặn dò về chuyện này. Người thân quen thì không sao, chứ khách hàng mà từ chối không khéo là họ giận, năm sau sẵn sàng rút tiền gửi, chuyển sang ngân hàng khác ngay", anh tâm sự.
Năm nay, ngân hàng anh H. làm việc vẫn dành ra một lượng tiền lớn để đổi cho khách VIP, khách có số tiền gửi, giao dịch nhiều. Tuy nhiên, lượng tiền này đều được giới hạn và có chỉ tiêu rõ ràng. Còn nhân viên làm việc trong ngân hàng cũng có định mức đổi riêng. "Phần tiền mới mà tôi được đổi trong dịp Tết năm nay là 20 triệu đồng. Trong đó, tôi chỉ giữ lại 5 triệu đồng để mừng tuổi mọi người trong nhà. Số còn lại, tôi đổi cho 3 người bạn thân, mỗi người một ít", anh nói.
Theo anh H., dịch Covid-19 chính là nguyên nhân khiến lượng người đi đổi tiền lẻ, tiền mới giảm mạnh. Vì hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên nhiều gia đình sẽ hạn chế việc đến nhà nhau để chúc Tết, có thể vì thế mà lượng tiền mới dành cho mừng tuổi cũng ít hơn mọi khi.
Tương tự, chị M.T, một giao dịch viên ở một ngân hàng ở Hà Nội, cho biết, đến những ngày sát Tết, chị mới nhận được 8 - 10 cuộc gọi nhờ đổi tiền của khách hàng. Trong đó, số tiền mà mọi người nhờ đổi cũng ít hơn mọi năm. "Các năm trước, nhiều khách VIP sẽ nhờ tôi đổi khoảng 50 - 60 triệu đồng tiền mới nhưng năm nay, họ chỉ nhờ tôi đổi khoảng 20 - 30 triệu đồng. Thậm chí, nhiều người còn không đổi vì họ đang phải tự cách ly, theo dõi y tế ở nhà do là đối tượng F0, F1", chị T. tiết lộ.
Chị T. cho biết, cuối năm là thời điểm "vắt chân lên cổ" của nhân viên ngân hàng khi phải quyết toán sổ sách, hoàn thành KPI và lượng người muốn đổi tiền mới, tiền lẻ tăng lên đột biến. Trong đó, người đổi ít cũng 5 - 6 triệu đồng, người nhiều có thể lên tới cả trăm triệu đồng.
"Chẳng nói đâu xa, như Tết năm trước, tôi đến mệt về câu chuyện đổi tiền lẻ, tiền mới cho khách. Nhiều người không hiểu, họ cứ nghĩ rằng chúng tôi khó khăn nhưng thực ra, tiền ra tiền vào ngân hàng đều được sao kê, kiểm đếm, lưu sổ sách rõ ràng. Với lại, lượng tiền đổi là giới hạn nên chúng tôi sẽ căn cứ vào tình hình chung để đưa ra con số đổi tiền cho khách hợp lý", chị T. nói.
Theo khảo sát của Dân trí, dù bị cấm, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới vẫn sôi động, náo nhiệt qua mạng với mức phí lên tới 15% cho mệnh giá đặc biệt.
Chị N.T, một người nhận đổi tiền mới ở Hà Nội, kể nhà chị chuyên đổi tiền lẻ, tiền mới cho khách, cam kết chất lượng và chỉ giao dịch trực tiếp. Đối với mệnh giá 1.000 đồng mức phí từ 12% đến 15%, loại 2.000 đồng, 5.000 đồng là 4%. "Tôi chỉ giao dịch trực tiếp nên tiền đảm bảo, khách ưng thì lấy, không mất cọc hay gì. Phí trên là cho khách lẻ, còn khách sỉ từ 100 triệu đồng giá khác, mệnh giá 1.000 đồng là 11%, mệnh giá 2.000 đồng, 5.000 đồng ở mức 3%", chị T. thông tin.
Không chỉ cá nhân, không ít fanpage, hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới liên tiếp được ra đời với quy mô lên với cả nghìn thành viên. Quy tắc trong các nhóm là khách phải tự nhắn tin hoặc gọi điện theo hướng dẫn, người bán chỉ đưa ra phần trăm phí đổi, không giao dịch trong nhóm.
Nhìn chung, các đại lý đều đưa ra mức phí đổi dao động 4 - 15%, tùy mệnh giá. Mức phí này sẽ thay đổi liên tục theo thời gian, càng cuối năm sẽ tăng thêm khoảng 1 - 2%. Cho nên, trước khi đổi tiền, các đại lý thường hỏi khách về mệnh giá và số lượng giao dịch.
Nếu căn cứ theo điểm a, Khoản 5, Điều 30 Nghị định 88/2019, hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật bị phạt tiền 20 - 40 triệu đồng. Mức phạt tăng gấp đôi với tổ chức vi phạm tương tự.
(Theo Dân trí)