Cũng như bao “cậu ấm” khác, Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam khóa VI, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC - được ba mẹ định hướng kế nghiệp ngay từ khi còn rất nhỏ nhưng cũng không nghiễm nhiên được gia đình đặt vào ghế CEO. Bản thân anh phải đánh đổi cả tuổi trẻ bằng những thách thức không hề nhỏ. Theo như lời Hồng Anh thì có những lúc thấy ba mẹ quá khó với mình, cảm giác không còn tự do.
“Hồi 14 tuổi đang tập luyện tennis thì ba cử người cho gọi về dự đại hội cổ đông. Tôi đâu có hiểu gì về đại hội cổ đông ngân hàng nhưng vẫn phải tham gia. Trong đầu cứ suy nghĩ, sao lúc nào ba cũng khó với mình như thế, cái gì cũng phải theo ý ba, làm mất hết tự do của bản thân…”, Đặng Hồng Anh nhớ lại.
“Ba tôi toàn khích tôi làm. Mà khi đã khích là máu tự ái trong mình trỗi dậy, thế là cứ làm cho ba thấy…”, Hồng Anh bắt đầu câu chuyện.
Năm 18 tuổi, chàng trai Đặng Hồng Anh khởi nghiệp bằng cửa hàng bánh canh với số vốn 5 triệu đồng.
"Tô bánh canh có giá 6 ngàn, 8 ngàn, 12 ngàn, tôi phải biết bưng bê, khách kêu bỏ hành chạy đi lấy hành, phải biết phục vụ khách cho vừa lòng, biết đưa tiền, thối tiền lại cho khách… Lời chẳng bao nhiêu nhưng công sức bỏ ra thì rất nhiều.
Sau này, tôi mới hiểu, ba khích tôi làm việc để thấy rằng: xài tiền mà không do mình kiếm ra sẽ khác với đồng tiền mình tự làm ra. Để kiếm được 6 ngàn đồng, đã phải khó khăn và thử thách như vậy thì mình mới biết trân quý", Hồng Anh chia sẻ.
Sau đó, chàng trai này lại bị ba "khích" nên tiếp tục chuyển sang bán cây kiểng và sắt thép. Bươn chải với nhiều nghề, Hồng Anh đã tự tích lũy cho mình những kinh nghiệm về lĩnh vực kinh doanh.Theo “cậu ấm” này, sau này lớn lên mới hiểu rằng, ba khích mình làm những công việc đó là có mục đích cả. Ngay từ đầu ba mẹ muốn tạo cho con biết kiếm đồng tiền không phải dễ dàng, đừng phung phí. Đặc biệt, ở góc độ tuổi trẻ, ba mẹ cũng muốn mình ứng xử như thế nào với những khó khăn vất vả ban đầu.
“Cứ thấy ba khích là mình lao đầu vào làm thôi. Nếu không làm ngửa tay xin tiền của ba mẹ mãi cũng ngại. Nếu làm thì sẽ có thêm tiền để đi chơi hoặc mua những gì mình thích. Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế”, Hồng Anh kể lại.
“Dẫu rằng biết ba mẹ đã định hướng việc kinh doanh từ hồi bé nhưng quả thực khi bước vào sự nghiệp là một thách thức mới, ngã rẽ mới vô cùng áp lực”, Đặng Hồng Anh giãi bày.
21 tuổi, Đặng Hồng Anh chính thức vào công ty ba mẹ làm. Ban đầu chỉ phụ ba mẹ những việc nhỏ, chủ yếu là lấy công cho ba mẹ nhìn thấy thôi, còn chưa áp lực gì về tài chính hay hiệu quả của công ty. Đến năm 2004 - 2005, khi chính thức nhận chức Tổng Giám đốc CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - đây mới là thời điểm thực sự áp lực kinh khủng.
Tuổi đời còn quá trẻ nhưng phải gánh vác trọng trách quá lớn khiến vị "thiếu gia" này không đủ can đảm. "Tôi đã suy nghĩ 3 ngày mới chịu nhận lời ba mẹ điều hành công ty", chàng trai 22 tuổi kể lại.
“Dàn cán bộ, cổ đông của công ty toàn người đáng tuổi cha, tuổi chú. Đứng trước họ, tôi không biết xưng hô như thế nào cho phù hợp với cương vị người lãnh đạo. Áp lực lớn nhất vẫn là sự kì vọng của ba mẹ dành cho mình. Nếu mình không làm được thì bao nhiêu tâm huyết của ba mẹ huấn luyện mình từ nhỏ xem như bằng số 0”, Đặng Hồng Anh chia sẻ.
Chưa kể, lĩnh vực bất động sản là mảng hoàn toàn mới với ngành nghề của gia đình (ba làm ngân hàng, mẹ mía đường). Đó là ngã rẽ lớn trong cuộc đời chàng trai trẻ.
Chính điều này đòi hỏi năng lực, kiến thức lẫn cách vận hành, nhân sự phải khác là áp lực lớn cho Đặng Hồng Anh khi mới tròn 22 tuổi. Thường khi kế nghiệp, con cái sẽ kinh doanh những ngành nghề truyền thống của gia đình để gìn giữ và phát huy nó lên, còn với cái mới thì đòi hỏi thách thức phải lớn hơn nhiều lần.
“Ngày xưa thôi nôi, tôi bốc phải cục đất, bà ngoại cứ tưởng sau này tôi lớn lên làm ruộng ai ngờ lại làm bất động sản. Quả là vừa là cái duyên, vừa là nghiệp,” Đặng Hồng Anh cười nhớ lại.
“Chính vì sự mới mẻ nhiều lại càng khiến tôi áp lực và phải gồng mình lên để chứng tỏ năng lực bản thân cho ba mẹ thấy. Quả thực, sướng mà không sướng. Sướng vì được sinh ra trong gia đình có ba mẹ thành đạt, cơ hội nghề nghiệp cao hơn bạn bè cùng trang lứa ở những gia đình khác nhưng áp lực vì phải gìn giữ và phát triển cơ đồ của ba mẹ. Từ 0 đồng làm nên 10 đồng là khác, còn đưa cho cả tỉ đồng để giữ là cả vấn đề, chưa kể phải làm sao cho sinh lời hơn tỉ mấy nữa. Áp lực kinh khủng lắm”, Đặng Hồng Anh chia sẻ.
Theo Hồng Anh, ba là người định hướng cho mình theo đuổi sự nghiệp gia đình, còn mẹ âm thầm hướng dẫn, sẻ chia. “Tôi rất may mắn vì có được ba mẹ vừa là doanh nhân lớn, vừa có đức hi sinh lớn. Đặc biệt, gia đình tôi có văn hóa gia đình theo nếp tứ đại đồng đường. Gặp khó khăn, cả gia đình đều san sẻ, đoàn kết, chung tay với nhau. Đó cũng chính là phần động lực để tôi nỗ lực vươn lên, điều hành doanh nghiệp ở tuổi đời còn trẻ”.
“Tôi khởi nghiệp từ tiền của gia đình. Ba mẹ luôn kỳ vọng con cái trưởng thành hơn, học nhiều hơn ngoài đời. Bởi với họ, không có ai kế nghiệp mình hơn chính những đứa con của mình cả. Sau này lớn lên, có gia đình, có con tôi mới hiểu được những mong muốn mãnh liệt của ba mẹ muốn con cái kế nghiệp mình và hiểu vì sao ba lại luôn khó với mình đến thế”, Hồng Anh chia sẻ.
“Tôi nói chuyện với ba mẹ ít cãi lại lắm, do mình điều hành doanh nghiệp nên mình hiểu, cái tôi của người lãnh đạo rất lớn. Dù con cái đã lớn nhưng với ba mẹ, con lúc nào cũng nhỏ. Vì thế, cứ hễ cãi là bị ăn đòn vì ba nghiêm khắc lắm”, Đặng Hồng Anh cười kể lại.
Nhưng, chàng trai trẻ này lại có “chiêu” dụ ba. Tận dụng thời gian hai ba con chạy thể dục với nhau, Hồng Anh sẽ trình bày bằng những thông tin, con số, lập luận cá nhân để ba thấm vấn đề, từ đó ba sẽ đồng ý những phương pháp con cái đưa ra.
“Sau cả quá trình phấn đấu, nỗ lực của bản thân ba mẹ sẽ nhìn thấy kết quả và tin vào năng lực gánh vác sự nghiệp của mình. Hơn nữa, văn hóa gia đình họ Đặng là luôn hi sinh, vun đắp, sẻ chia cho nhau khiến những áp lực trong công việc cũng dần vơi đi. Chính văn hóa này cũng hình thành ở Tập đoàn TTC từ trước đến nay”, Hồng Anh cho hay.
“Cuộc đời không toàn màu hồng được. Trong cuộc đời phải gặp vận hạn. Có những thời điểm khó khăn nhất thì bản thân phải hết sức bình tĩnh; lắng và nghiệm lại sự việc đó như thế nào? Lý do tại sao? Tìm kiếm các giải pháp cho nó. Đừng quá xem nặng quá khứ mà phải nhìn trên nền tảng hiện tại để đặt mục tiêu kế hoạch cho tương lai và bằng mọi cách đạt được mục tiêu đó”, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC chia sẻ.