Thế giới đã chứng kiến không ít gia tộc ngày càng lớn mạnh và có tác động to lớn đến kinh tế, địa chính trị. Tuy nhiên, lịch sử cũng không thiếu những gia tộc lụi bại với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Viêc duy trì sự giàu có của một dòng tộc qua nhiều thế hệ là điều không hề dễ dàng, trong đó việc lựa người kế nghiệp hết sức quan trọng. Việc xây dựng một kế hoạch kế nhiệm dài hơi và phân bổ lợi ích hợp lý sẽ giúp gia tộc tồn tại và phát triển bền vững.
Đế chế Rothschild
Rothschild được mệnh danh là gia tộc giàu có nhất thế giới với tài sản khoảng 350-2.000 tỷ USD (theo Investopedia). Gia tộc này cũng gắn liền với nhiều sự kiện chính trị và đồn đoán khiến Rothschild thường không được đưa vào các danh sách xếp hạng gia tộc giàu nhất.
Bloomberg từng lý giải Rothschild hay Rockefellers không được xếp hạng là vì tài sản của 2 gia tộc này quá lớn và quá khuếch tán, khiến việc định giá chính xác hầu như không thể.
Rothschild được thành lập vào thế kỷ XVIII tại Đức với cha đẻ là Mayer Amschel Rothschild. Sau khi gây dựng nên đế chế ngân hàng của mình và trước khi qua đời, Mayer đã để lại những quy định nghiêm ngặt cho con cháu của mình về việc kế thừa sản nghiệp.
Nối tiếp Mayer, Nathan Rothschild kế thừa sự nghiệp và đưa gia tộc trở thành ngân hàng đầu tiên vượt biên giới. Cùng với thời gian, gia tộc này trong thế kỷ 21 đã phân nhánh rộng khắp thế giới và phân tán thành nhiều công ty khác nhau.
Hồi tháng 4 vừa qua, Bloomberg đưa tin Alexandre de Rothschild được hãng Rothschild & Co. chọn làm người kế nhiệm cho người cha (David de Rothschild) trở thành chủ tịch Rothschild & Co. Gestion và Rothschild & Co. Cũng theo hãng tin trên, động thái này là kết quả của một kế hoạch được gia tộc xây dựng từ lâu.
Ông Alexandre de Rothschild - người kế thừa tiếp theo của gia tộc.
Cùng với Rothschild, một số gia tộc ít được xếp hạng khác nhưng có kế hoạch kế nhiệm bài bản và tài sản lớn như đế chế dầu mỏ Rockefeller (sở hữu ExxonMobil, Chevron, BP,…) hay gia tộc Morgan (JP Morgan, AT&T, GE,…).
Nhà Walton
Xuất hiện chính thức trong các bảng xếp hạng gia tộc giàu có của Bloomberg hay Fortune và chiễm chệ ngôi đầu là gia đình nhà Walton, những người sở hữu chuỗi siêu thị Wal-mart.
Sam Walton là người sáng lập nên đế chế Wal-mart vào năm 1962. Từ đó đến nay, chuỗi siêu thị này đã có hơn 11.200 cửa hàng trên 27 quốc gia với lượng khách khoảng 265 triệu người. Doanh thu trong năm tài chính 2018 đạt trên 500 tỷ USD.
Một cửa hàng Walmart.
Sau khi Sam qua đời 1992, con trai cả Robson Walton kế nghiệp, đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị suốt 20 năm và đưa Walmart trở thành đế chế bán lẻ hàng đầu hiện nay. Hồi 2015, Robson thông báo công ty đã bầu con rể của ông là Greg Penner làm Chủ tịch mới của Wal-mart.
Sự thành công của nhà Walton chính là mô hình doanh nghiệp hiện đại khi tách bạch đúng đắn vị trí kế thừa và vị trí quản lý. Trong suốt thời gian hoạt động của Walmart, gia đình Walton chỉ đảm nhận vị trí trong Hội đồng quản trị, trong khi vị trí điều hành (CEO) được kế thừa bởi những người ngoài gia tộc.
Người sáng lập Sam cũng quy định quyền sở hữu cổ phần của thành viên gia tộc không vượt quá 40% và không can thiệp vào công việc nội bộ. Thiết lập lợi ích chung giữa những nhân viên trong gia tộc và ngoại tộc.
Khủng hoảng kế vị tại các Chaebol
Các doanh nghiệp gia đình Hàn Quốc (Chaebol) trong vài năm trở lại đây đang trải qua nhiều đợt khủng hoảng lớn, trong đó nổi bật lên là khủng hoảng kế vị tại Lotte hay Samsung.
Vào năm 1938, ông Lee Byung-chull đã bắt đầu gây dựng nên một trong những Chaebol hàng đầu Hàn Quốc là Samsung. Tuy nhiên, người kế nhiệm đời thứ 3 nhà họ Lee – ông Lee Jae Yong, lại chính là khởi đầu cho khủng hoảng kế vị tại Chaebol này khi ‘Thái tử’ Samsung bị kết án 5 năm tù liên quan đến hối lộ cựu tổng thống Park.
Năm 2014, nhà lãnh đạo thế hệ thứ 2 Lee Kun-hee chịu một cơn đau tim rất nặng và người con trai duy nhất -Thái tử Lee Jae Yong bỗng dưng bị buộc phải thay thế vị trí của cha mình. Mặc dù nhận thấy rõ quyền làm chủ tập đoàn trong trong tương lai của Jae Yong, nhưng việc thay đổi đột ngột khiến Samsung thiếu một kế hoạch dài hạn.
Người kế thừa trẻ bắt đầu đưa ra những quyết định thiếu kiên nhẫn, lớn nhất là ý tưởng sáp nhập Cheil Industries với Samsung C&T để dễ dàng kiểm soát Samsung Electronics. Nhưng cuối cùng đó lại là thỏa thuận đã đưa Jae Yong vào tù vì sử dụng các biện pháp bất hợp pháp.
"Thái tử" Samsung - Lee Jae Yong.
Thái tử Lee sau đó đã được ra tù và sẽ sớm quay trở lại điều hành tập đoàn. Tuy nhiên, câu chuyện kế thừa đời thứ 3 của Samsung cho thấy sự cần thiết của việc chú tâm hơn tới các kế hoạch dài hạn và cấu trúc sở hữu chéo hoặc nếu không thì sẽ có nguy cơ trải qua cách kế vị kiểu nhà Lee.
Trong khi đó, khủng hoảng kế thừa của Lotte lại liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Lotte được xây dựng dưới bàn tay của Shin Kyuk ho vào năm 1948; gây dựng một đế chế lớn nhưng vị sáng lập Lotte lại đối mặt khủng hoảng kế vị trong cuộc tranh chấp của 2 người con trai.
Nhà sáng lập Lotte -Shin Kyuk ho.
Đỉnh điểm vào năm 2015, khi con trai út Shin Dong-bin đã cùng với các cổ đông loại bỏ cả cha mình và anh trai Shin Dong-joo để nắm quyền lãnh đạo tập đoàn. Đáp lại, người anh trai cũng liên tục kiện tụng nhằm giành lại vị thế.
Không chỉ lao đao vì quyền điều hành, Lotte còn đối mặt với khủng hoảng chính trị giống Samsung. Hàng loạt thành viên gia đình bị truy tố vì cáo buộc biển thủ hàng chục triệu USD, riêng Chủ tịch Shin Dong-bin cũng chịu án phạt 30 tháng tù vì cáo buộc hối lộ liên quan tới cựu tổng thống Park.
Cuộc khủng hoảng tại Lotte hay Samsung cho thấy những góc khuất về hoạt động của các Chaebol Hàn Quốc mà nổi lên là kế hoạch kế thừa chưa được xây dựng dài hạn, việc phân chia quyền lực và cơ cấu sở hữu chéo phức tạp dễ gây ra những tranh chấp và khủng hoảng.
Những gia tộc lụi bại
Không phải gia tộc nào cũng tiếp nối thành công và phát triển rực rỡ. Lịch sử chứng kiến không ít các gia tộc to lớn chuyển giao và rồi lụi tàn.
Đế chế bia tư nhân Stroh ra đời những năm 1890 và đến 1980, Stroh nổi lên là doanh nghiệp phát triển nhanh nhất trở thành hãng sản xuất bia lớn thứ 3 tại Mỹ, chỉ đứng sau công ty đại chúng Anheuser-Busch và Miller.
Một nhà máy bia của Stroh.
Thế nhưng từ 1980 cũng là lúc những thay đổi lớn diễn ra. Vị chủ tịch Bernhard Jr. lúc bấy giờ đã trao quyền kiểm soát cho cháu trai Peter và vị CEO trẻ muốn phát triển nhanh hơn bằng cách mua lại đối thủ. Tuy nhiên, tầm nhìn của Peter không thành hiện thực khi Stroh nợ nhiều, kinh doanh đi xuống để rồi cuối cùng bị các đối thủ vượt mặt và phải tách công ty ra để bán.
Đế chế vận tải đường biển và đường sắt Vanderbilts cũng từng là gia đình giàu nhất Mỹ. Tuy nhiên sự nghiệp lẫy lừng của người sáng lập Cornelius Vanderbilt dần bị tiêu tán bởi lối sống xa hoa của các đời con cháu. Năm 2014, người dẫn chương trình nổi tiếng Anderson Cooper của CNN - thuộc thế hệ thứ 6 - cho biết nhà Vanderbilt không còn giữ được tài sản gì từ thời ông cha.
Hay Joseph Pulitzer xây dựng đế chế xuất bản sách vào năm 1878. Tên của ông được dùng cho giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer. Mặc dù tổng tài sản của gia đình vào khoảng 1,6 tỷ USD, hiện tại cháu trai Peter Pulitzer vẫn phá gần hết.