Tổng cục Thi hành án (THA) dân sự đã vào cuộc vụ một ngân hàng (NH) để cho một doanh nghiệp chuyển tiền dù đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án.
Sự trùng hợp khó hiểu
Theo hồ sơ, tháng 7-2018, Công ty TNHH TMDV Hiệp Mobile kiện Công ty TNHH Hoàng Hải Lâm Đồng ra TAND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) yêu cầu thanh toán tiền mua điện thoại di động và phụ kiện.
Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 30-8-2018, TAND TP Đà Lạt ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “phong tỏa 100 triệu đồng trong tài khoản NH của Công ty Hoàng Hải Lâm Đồng tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, Chi nhánh Lâm Đồng)”. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và được thi hành theo quy định của pháp luật về THA dân sự.
Tháng 11-2018, TAND TP Đà Lạt xét xử sơ thẩm, buộc Công ty Hoàng Hải Lâm Đồng phải thanh toán cho Công ty Hiệp Mobile hơn 500 triệu đồng. Bản án này có hiệu lực thi hành.
Tháng 1-2019, Chi cục THA dân sự TP Đà Lạt ra quyết định THA. Công ty Hiệp Mobile yêu cầu chi cục tổ chức khấu trừ số tiền 100 triệu đồng trong tài khoản NH của Công ty Hoàng Hải Lâm Đồng và xử lý một số tài sản khác.
Sau đó, NH có văn bản trả lời chi cục rằng: Lúc 15 giờ 8 phút ngày 30-8-2018, NH nhận được quyết định phong tỏa số tiền 100 triệu đồng do tòa án tống đạt. Tuy nhiên, cũng cùng thời điểm này (tức 15 giờ 8 phút ngày 30-8-2018), Công ty Hoàng Hải Lâm Đồng đã chuyển hơn 120 triệu đồng cho một tài khoản khác. Do đó, hiện tại tài khoản trên không đủ tiền để khấu trừ.
Trước tình huống trên, đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Tư pháp đã giao cho Tổng cục THA dân sự chỉ đạo Cục THA dân sự tỉnh Lâm Đồng, Chi cục THA dân sự TP Đà Lạt khẩn trương, tích cực tiến hành xác minh, xử lý tài sản của Công ty Hoàng Hải Lâm Đồng.
Ngân hàng giải thích “do quy trình nội bộ”
Trước sự chỉ đạo của Tổng cục THA dân sự, Cục THA dân sự tỉnh Lâm Đồng vừa qua đã tổ chức cuộc họp liên ngành, trong đó có sự tham gia của lãnh đạo NH Nhà nước (Chi nhánh Lâm Đồng), NH Vietcombank (Chi nhánh Lâm Đồng).
Tại buổi họp, phía Chi cục THA dân sự TP Đà Lạt cho rằng 15 giờ 17 phút ngày 30-8-2018, cơ quan này mới nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án. Chi cục đã ban hành ngay quyết định THA trong ngày và tiến hành giao cho NH.
Lý giải về số tiền 120 triệu đồng, phía NH cho biết đúng 15 giờ 8 phút ngày 30-8-2018, NH nhận được quyết định phong tỏa tài khoản của tòa án do tòa này tống đạt, cũng là lúc Công ty Hoàng Hải Lâm Đồng thực hiện chuyển hơn 120 triệu đồng. Do đó, NH không thể thực hiện được việc phong tỏa tài khoản và không thể theo dõi được việc chuyển tiền tại thời điểm này.
Cạnh đó, NH này còn cho rằng theo quy chế nội bộ, trong thời gian 24 giờ, NH tiến hành khoanh tài khoản theo quy định. Do đó, hôm sau, tức ngày 31-8-2018, phía Công ty Hoàng Hải Lâm Đồng tiếp tục việc chuyển tiền hơn 17 triệu đồng là phù hợp với quy chế NH. Hiện số dư tài khoản trên chỉ còn hơn 35 triệu đồng.
Cuối cùng, NH Nhà nước, VKSND tỉnh, TAND tỉnh nhận định: do việc chuyển số tiền hơn 120 triệu đồng cùng thời điểm NH nhận được quyết định phong tỏa của tòa án nên không thể ngăn chặn kịp thời.
Riêng số tiền hơn 17 triệu đồng được chuyển vào hôm sau, các cơ quan nói trên cho rằng NH đã vi phạm pháp luật. Việc NH nại lý do trong quy chế nội bộ quy định trong thời gian 24 giờ mới tiến hành khoanh tài khoản là chưa đúng với các quy định của pháp luật về việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án.
Đủ căn cứ để phạt hành chính
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, cục trưởng Cục THA dân sự của một địa phương (đề nghị không nêu tên) phân tích: Theo Điều 130 Luật THA dân sự thì "trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định tha, chấp hành viên phải áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm, trong đó có biện pháp phong tỏa tài khoản tại NH". Nghĩa là khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa thì cơ quan THA phải ra quyết định THA và tống đạt ngay quyết định này cho NH. Khi đã nhận được quyết định này rồi mà NH vẫn để cho đương sự chuyển hơn 17 triệu đồng vào ngày hôm sau thì NH phải chịu trách nhiệm.
Cạnh đó, căn cứ vào Điều 68 và khoản 7 Điều 52 của Nghị định 110/2013/NĐ-CP, tổng cục trưởng Tổng cục THA dân sự có thẩm quyền xử phạt hành chính NH với số tiền 30- 40 triệu đồng do có hành vi "không thực hiện việc phong tỏa tài khoản của người phải THA theo quyết định của người có thẩm quyền THA".