Nhiều phụ nữ đã tìm ra những mô hình sản xuất rất độc đáo, sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng giá đậu trong bồn nhựa, bật điều hòa, phun sương làm mát hay mô hình xử lý rác thải hữu cơ bằng... ruồi lính đen.
Cho giá đậu 'nằm bồn, ngủ máy lạnh' thu lãi cao
Báo Dân Trí thông tin, thay vì trồng trong lu hay khạp, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (36 tuổi, ở quận Ô Môn, Cần Thơ) lại trồng giá đậu trong bồn nhựa, bật điều hòa, phun sương làm mát. Cách làm này giúp chị thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chia sẻ về lý do khởi nghiệp với giá đậu, chị Nhung cho biết, 10 năm trước, chị nối nghiệp làm giá đậu của mẹ. Thời điểm đó, gia đình vẫn chỉ sản xuất theo phương pháp ủ giá trong lu. Cách làm truyền thống đem lại hiệu quả và lợi nhuận không cao nên khoảng năm 2017, chị Nhung có ý tưởng đưa công nghệ vào việc sản xuất giá đậu.
Chị Nhung đầu tư nhà xưởng, lắp đặt điều hòa, bồn nhựa ủ đậu |
Chị Nhung đã lên mạng tra cứu, tìm hiểu về các mô hình làm giá đậu theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản. Để trồng giá trong bồn đạt hiệu quả, chị Nhung xây nhà xưởng gắn vòi nước, điều hòa, hệ thống phun sương.
'Tuyệt chiêu' lạ xử lý rác thải hữu cơ bằng... ruồi lính đen
Trăn trở tìm mô hình xử lý rác trong gia đình hiệu quả, thân thiện với môi trường, nữ cán bộ đoàn Lại Thị Thơm (Huyện đoàn Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) đã mày mò tìm tòi, học hỏi và sáng tạo thành công “Hệ thống xử lý rác thải hữu cơ từ ruồi lính đen”.
Chị Thơm chia sẻ trên Dân Việt: "Hiện trên thị trường cũng đang có rất nhiều sản phẩm góp phần xử lý rác, nhưng đều có hạn chế nhất định như giá thành sản phẩm cao, quá trình xử lý rác chậm, tạo ra mùi khó chịu hoặc khó sử dụng".
Một trong những phương pháp xử lý rác thải hữu cơ triệt để là dùng ấu trùng ruồi lính đen, hiện nhiều nơi đã áp dụng và mang nhiều lợi ích về môi trường và kinh tế. Bên cạnh đó, ruồi lính đen còn mang lại nhiều giá trị về kinh tế, trứng của ruồi lính đen có giá bán trên thị trường khá cao, có khi lên đến 20 triệu đồng/kg.
Những bó hoa bằng rau củ độc đáo
Dịp 20/10, thị trường hoa trở nên sôi động. Các cửa hàng đều gấp rút lên ý tưởng làm những bó hoa đặc biệt để thu hút khách.
Bó hoa đặc biệt với đầy đủ các loại rau củ (Ảnh: Người Lao Động) |
Trong những ngày TP.HCM thực hiện giãn cách, việc đi chợ gặp khó khăn, rau, củ, quả dần trở thành một thứ quà cao sang trong mùa dịch. Nắm bắt tâm lý và nhu cầu của khách hàng, một cửa hàng hoa ở TP.HCM) đã có ý tưởng cho những bó hoa bằng rau củ mới lạ. Những rau củ quả có hình dáng và màu sắc rất đẹp.
Tuy nhiên, mặt hàng hot nhất dịp 20/10 năm nay chính là những bó hoa kết bằng tiền mặt có giá hàng chục triệu đồng. Nhiều chủ shop làm không kịp giao khách. Ngoái ra, những món quà sáng tạo như bóng hoa sáp, set hoa kèm bánh ngọt, tượng mini đều thu hút khách.
Phiên chợ đặc biệt đổi phế liệu lấy thực phẩm ở Hà Nội
Nhằm tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời chia sẻ những khó khăn với người dân trong thời điểm dịch bệnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm. Ngoài việc bày bán rau củ, hoa quả, thực phẩm... phục vụ nhu cầu của khách hàng, phiên chợ này còn triển khai mô hình đổi rác từ vỏ lon, giấy bìa, sắt vụn tưởng chừng là những phế liệu để lấy thực phẩm. Bảng giá cho mỗi loại phế liệu cũng như nông sản đều được niêm yết công khai theo đúng quy định.
Nói về phiên chợ "đặc biệt" này, bà Nguyễn Thị Mai (55 tuổi, Văn Miếu, Hà Nội) tâm sự: "Tôi thấy hoạt động này rất hữu ích, vừa có thể gom và phân loại rác để bảo vệ môi trường vừa đổi được các mặt hàng thiết thực trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, ai cũng có thể dùng được. Hơn nữa, mô hình phiên chợ đổi phế liệu giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần mang đến không gian sống xanh - sạch - đẹp cho mọi người".
Gỏi kiến vàng, đặc sản trứ danh
Nghe tên gỏi kiến vàng có hơi độc dị nhưng khi thưởng thức thì vô cùng thơm ngon, bổ dưỡng. Ngày nay, món gỏi kiến vàng đã trở thành đặc sản của đồng bào dân tộc Rơ Măm ở tỉnh Kon Tum.
Món gỏi kiến vàng đặc sản nổi tiếng của người Rơ Măm tại Kon Tum (Ảnh: Dân Việt) |
Người Rơ Măm là một dân tộc ít người ở Việt Nam, có nhiều món ẩm thực rất kì dị, khác thường, ít ai có thể thưởng thức.
Trước đây, người Rơ Măm thường sống ở trong rừng. Để có thức ăn, họ thường xuống suối bắt cá và leo lên cây bắt kiến vàng để chế biến món ăn.
Ngày nay, khi cuộc sống có phần đầy đủ hơn, món gỏi kiến vàng được chế biến cầu kỳ và công phu hơn nên đã trở thành đặc sản, được dùng để đãi khách quý trong các ngày lễ quan trọng của người Rơ Măm và thực khách phương xa. Nguyên liệu chính của món gỏi kiến vàng đơn giản chỉ là kiến, cá và các loại rau thơm.
Trồng giống dừa lạ cây thấp tè đã cho rất nhiều quả
Theo Cổng TTĐT Thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, những năm gần đây, trồng dừa xiêm xanh uống nước đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân trên địa bàn xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn).
Trong đó, có hộ ông Nguyễn Thành (thôn Xuân Khánh). Sau gần 10 năm trồng dừa xiêm xanh, mỗi năm, gia đình ông Thành thu lợi nhuận từ 50-60 triệu đồng. Bên cạnh bán dừa uống nước, mỗi năm ông còn ươm dừa giống bán trên 150 cây với giá 50.000/cây, chủ yếu là khách quen, đến nhà đặt lấy. Dừa uống nước luôn có mức giá ổn định, thị trường tiêu thụ lớn.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)