Hóa chất Đà Nẵng mua cổ phiếu quỹ với giá gấp 40 lần thị giá
CTCP Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng vừa thông báo kết quả giao dịch mua cổ phiếu quỹ. Theo đó Hóa chất Đà Nẵng đã hoàn tất mua vào 230.000 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ theo đăng ký mua trước đó. Giao dịch thực hiện ngoài hệ thống, ủy quyền cho Chứng khoán Agribank thực hiện từ 27/11 đến 3/12/2019.
Đáng chú ý, giá giao dịch bình quân được xác định là 114.000 đồng/cổ phiếu, trong khi trên thị trường cổ phiếu DCI đang giao dịch quanh mức 2.800 đồng/cổ phiếu. Tức giá mua cổ phiếu quỹ gấp hơn 40 lần thị giá cổ phiếu DCI.
Tổng số tiền Công ty bỏ ra để mua số cổ phiếu quỹ này lên đến 26,22 tỷ đồng. Nguồn vốn mua vào lấy từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn chủ sở hữu khác.
Diễn biến giá cổ phiếu DCI trong 3 năm gần đây.
Số cổ phiếu quỹ này là mua lại từ 3 cá nhân
Trước đó Hóa chất Đà Nẵng đã thông qua danh sách cổ đông mà công ty sẽ mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Trong đó có bà Lưu Thị Bảo Thu (80.000 cổ phiếu), bà Lê Thị Kim Duyên (80.000 cổ phiếu) và bà Nguyễn Thị Thu Hà (70.000 cổ phiếu). Giá mua tối đa 114.000 đồng/cổ phiếu.
Vinachem đã thoái vốn tại Hóa chất Đà Nẵng cũng với giá gấp 40 lần thị giá
Một thông tin khác, trước đó ngày 6/8/2019 Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thông báo đã hoàn tất bán ra 900.411 cổ phiếu DCI trong phiên đấu giá, thoái sạch vốn khỏi Hóa chất Đà Nẵng. Giá đấu thành công bình quân 113.733 đồng/cổ phần.
Cùng lúc đó 2 cá nhân là bà Lê Thị Lan và ông Nguyễn Thái Phúc báo cáo đã mua lần lượt 300.000 cổ phiếu và 600.411 cổ phiếu, đúng bằng số cổ phiếu mà Vinachem bán ra. Đây cũng là 2 cá nhân duy nhất đăng ký mua cổ phần của Hóa chất Đà Nẵng do Vinachem thoái vốn.
Sau đó không lâu, ngày 28/8/2019 ông Nguyễn Thái Phúc báo cáo đã bán bớt 230.000 cổ phiếu DCI, phía mua không được công bố.
Cơ cấu cổ đông trước ngày Vinachem thoái vốn
Hóa chất Đà Nẵng được cổ phần hóa từ tháng 7/2005, là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và dịch vụ các mặt hàng hoá chất phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, tiêu dùng, các loại phân bón, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa, hạt nhựa, sản phẩm nhựa các loại hoá chất cơ bản, bao bì... Công ty cũng hoạt động kinh bất động sản, vận tải hàng hoá, tham gia chế tạo các loại máy móc thiết bị, điện tử, điện dân dụng..
Về cơ cấu cổ đông trước ngày lên sàn, ngoài Vinachem sở hữu hơn 37% vốn điều lệ, thì phần lớn cổ phần còn lại, hơn 54,4% thuộc về các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đình Huỳnh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty.
Như vậy, các cổ đông nhỏ lẻ khác chỉ chiếm khoảng 8% vốn điều lệ công ty.
Một giả thuyết
Số cổ phần ông Nguyễn Thái Phúc mua 2/3 số cổ phần Vinachem thoái vốn. Sau đó bán ra 230.000 cổ phần, đúng bằng số cổ phần mà 3 cá nhân nhắc đến ở trên được Hóa chất Đà Nẵng chọn mua làm cổ phiếu quỹ.
Nếu tính 230.000 cổ phiếu, tương ứng khoảng 9,5% vốn điều lệ công ty, lớn hơn hẳn tỷ lệ mà các cổ đông nhỏ lẻ đang sở hữu tại Hóa chất Đà Nẵng sở hữu trước khi Vinachem thoái vốn. Do vậy không loại trừ khả năng Hóa chất Đà Nẵng đã đi đường vòng để bỏ ra số tiền gấp 40 lần thị giá để mua lại một phần số cổ phần Vinachem thoái vốn để làm cổ phiếu quỹ. Giá mua cổ phiếu quỹ tương đồng với giá Vinachem thoái vốn.
Sức hấp dẫn của Hóa chất Đà Nẵng
Sức hấp dẫn của Hóa chất Đà Nẵng có lẽ nằm ở những khu đất vàng mà công ty đang quản lý, bao gồm 81.788m2 đất KCN thuê hàng năm, đến năm 2045, tại KCN Hòa Khánh; 75.272m2 đất thuê hàng năm, đến năm 2046 tại đường số 3, KCN Hòa Khánh; 3.805m2 đất là cơ sở SXKD được Nhà nước cho thuê, trả tiền hàng năm đến tháng 11/2054 và 1.362,5m2 đất có quyền sử dụng lâu dài tại số 53 Lê Hồng Phong, quân Hải Châu. Tất cả các lô đất trên đều ở Đà Nẵng.