Đó là thực trạng đã và đang diễn ra thời gian qua tại cánh đồng xã Cổ Đạm, khiến người dân và chính quyền địa phương lo lắng.
Dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng sản xuất tại các thôn: An Lạc, Hải Đông và Vân Thanh Bắc và Vân Thanh, nông dân Hoàng Văn Long (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chia sẻ: "Những năm gần đây, ruộng tại khu vực này bỗng nhiên bị sình lầy, vùng ảnh hưởng ngày càng lan rộng, nhiều hộ dân đành phải bỏ hoang. Người dân ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên giờ ruộng bị lầy lội như vậy họ rất lo lắng".
Những thửa ruộng phải bỏ hoang vì bị sình lầy ùn ứ. Ảnh: N. Duyên.
Theo phản ánh, diện tích ruộng bị sình lầy ngày một tăng. Những thửa ruộng trước đây người dân sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa nay đành để cho cỏ dại mọc um tùm. Bùn ngập quá gối, có nơi ngang thắt lưng, có nơi ngang bụng… nên trâu bò, con người cũng như máy móc không thể đi vào để sản xuất được.
Ông Hoàng Cát, thôn Hải Đông chia sẻ: "Chúng tôi ở đây vốn đã ít ruộng, nay lại bị sình lầy nên không có đất để sản xuất. Những mảnh ruộng khu vực này trước đây bùn chỉ sâu khoảng 20cm. Nhưng nay bùn đã sâu tới nửa mét, có nơi 1m, có nơi đã ngập bụng người lớn. Trâu bò không thể vào cày bừa, người đi vào cũng khó khăn. Thuê máy móc vào cũng không thể làm được. Chúng tôi có muốn cày cấy cũng đành chịu không biết làm sao cả".
Theo mô tả của nông dân nơi đây, sình lầy trên ruộng ngập tới bụng.
Sau khi dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân chỉ có phần ruộng ở khu vực này nên khi ruộng bị sụt lún, nhiều hộ dân đã không còn đất sản xuất. Bà con cực chẳng đã phải đi thuê ruộng ở nơi khác để làm.
Là hộ dân có nhiều ruộng bị sình lầy nhất, ông Trần Văn Quang (thôn Hải Đông, xã Cổ Đạm) cho hay: “Cả gia đình tôi có gần 2 mẫu đất sản xuất thì hơn 1 mẫu thuộc khu bị sình lầy rồi. Nhìn đất đai bị bỏ hoang, người nông dân chúng tôi lại không có đất để canh tác. Nóng ruột lắm, bởi kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Vùng đất này, chúng tôi trồng lúa đã hàng chục năm rồi, mỗi năm 2 vụ, nhưng từ 3 năm nay thì phải bỏ hoang bởi bùn lầy quá dày và sâu".
Những mảnh ruộng dưới chân đập nước Xuân Hoa bị bỏ hoang những năm qua. Ảnh: N. Duyên.
Ông Trần Văn Em, thôn Hải Đông buồn rầu: "Ruộng không cày cấy được được, biển cũng khan cá tôm, nông dân chúng tôi khó sống quá".
Theo nhận định của bà con nông dân, từ khi có đập chứa nước Xuân Hoa (2012), ruộng bắt đầu sình lầy nhiều hơn. Đến nay, vùng sình lầy đã mở rộng, những ruộng cách chân đập nước hơn 200m cũng đã bị sình lầy. Diện tích ruộng không thể cày cấy được năm sau cao hơn năm trước...".
Những mảnh ruộng ngày càng bị sình lầy nặng nên người dân không thểsản xuất. Ảnh: N. Duyên.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thái Tứ - Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm cho hay: "Hiện nay, diện tích bị sình lầy quá lớn, nguồn đất dự phòng hiện có của địa phương cũng không đủ để chia cho các hộ dân. Xã đã báo cáo sự việc lên phòng Nông nghiệp huyện. Rất mong các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và có hướng để bổ sung đất cho người dân địa phương chúng tôi sản xuất".
Theo thống kê của UBND xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), hiện có khoảng 7ha đất sản xuất lúa hai vụ của người dân 4 thôn trong xã bị sình lầy không thể sản xuất được. Với 70 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 59 hộ có từ 1 sào (500m2) đến cả mẫu bị sình lầy. |