Các chuyên gia cho rằng mùa đông lạ thường ở châu Âu tiếp tục là kết quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Nhiều khu trượt tuyết phải đóng cửa vì thiếu tuyết và các khu nghỉ dưỡng phải mở các đường đi bộ mùa hè hoặc cũng đóng cửa, trong khi đó cỏ và bùn thay thế tuyết bao trùm từ Chamonix, Pháp đến Innsbruck, Áo.
Ở Budapest, Hungary, ngày Giáng sinh ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất từ trước tới nay, trong khi nhiệt độ vào ngày Tết dương lịch nơi đây là 18,9 độ C. Tại Pháp, đêm 30 và 31-12 có nhiệt độ "nóng" nhất từng được ghi nhận, có lúc gần 25 độ C. Tương tự, từ Đức tới Tây Ban Nha, nhiều nơi cũng cảm thấy "cứ như mùa hè".
"Ở đây luôn mưa nhiều, rất lạnh, nhưng giờ là tháng 1 mà cảm giác như mùa hè", một người dân xứ Basque, Tây Ban Nha, nói.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa phân tích tác động cụ thể của biến đổi khí hậu đến nhiệt độ cao gần đây, nhưng thời tiết ấm áp của tháng giêng đang đi đúng theo xu hướng tăng nhiệt độ do biến đổi khí hậu.
"Mùa đông đang trở nên ấm hơn ở châu Âu do nhiệt độ toàn cầu tăng lên", Hãng tin Reuters dẫn lời nhà khoa học Freja Vamborg, thuộc cơ quan về biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, cho biết.
Trong khi đó, tiến sĩ Friederike Otto, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia, cho biết: "Sức nóng kỷ lục trên khắp châu Âu trong năm mới nhiều khả năng do biến đổi khí hậu do con người gây ra, cũng như biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng có thể xảy ra nhiều hơn và nóng hơn".
Một người nằm phơi nắng trên bãi biển ở Malaga, Tây Ban Nha, ngày 1-1. Mùa đông ấm áp ở châu Âu xảy ra trong bối cảnh năm qua xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm các đợt nắng nóng chết người ở châu Âu và Ấn Độ, lũ lụt ở Pakistan mà các nhà khoa học kết luận là có liên quan trực tiếp đến tình trạng nóng lên toàn cầu - Ảnh: REUTERS
Ảnh chụp từ trên không cho thấy hầu như rất ít tuyết ở khu vực Leutasch của Áo dù giữa mùa đông. Nhiệt độ tăng đột biến cũng có thể khiến thực vật bắt đầu phát triển sớm hơn trong năm hoặc khiến động vật ngừng ngủ đông sớm. Điều này khiến chúng dễ bị chết bởi những đợt lạnh sau đó - Ảnh: REUTERS
Một máy tạo tuyết đặt trên đỉnh núi Jahorina ở Bosnia và Herzegovina, Đông Âu, ngày 4-1. Robert Vautard, giám đốc Viện Pierre-Simon Laplace của Pháp, cho biết dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ đạt đỉnh từ ngày 30-12-2022 đến ngày 2-1-2023 nhưng đợt nóng đã kéo dài hai tuần và vẫn chưa kết thúc - Ảnh: REUTERS
Một khu trượt tuyết thiếu tuyết ở Sarajevo, Bosnia và Herzegovina, ngày 4-1. Điều tích cực nhất từ đợt nóng mùa đông này là nỗi lo về thiếu nhiên liệu cũng giảm bớt - Ảnh: REUTERS