Là một trong những người đi đầu trong phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng ở huyện Hải Hậu, đến nay mô hình nuôi tôm của anh Cường đã và đang được nhân rộng trên địa bàn huyện.
Chỉ tay về phía cánh đồng muối mặn mòi mùi nước biển, anh Cường kể cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN nghe cơ duyên khiến anh đến với nghề nuôi tôm...
Nhờ kiên trì học hỏi, đến nay mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng đã mang lại thu nhập tiền tỷ cho gia đình anh Nguyễn Văn Cường. Điều ấn tượng là ban đầu đưa tôm thẻ chân trắng lên nuôi trong bể xi măng nhiều người không cho là anh Cường sẽ thành công, có người còn kêu anh "khùng, dở hơi".
Anh Cường cho hay, từ xa xưa làng anh đã gắn liền với nghề làm muối. Quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, thế nhưng cuộc sống của nhiều gia đình cũng chẳng khá giả là bao.
Thấy nghề làm muối thu nhập bấp bênh, năm 2005 anh nảy sinh ý tưởng chuyển đổi khu đất làm muối sang nuôi trồng thuỷ sản. Nghĩ là làm, anh thuê máy múc, đào ao, nuôi tôm sú, cua rèm, nuôi cá…Những năm đầu kinh nghiệm nuôi tôm, kinh nghiệm nuôi cá chưa có, nên thu nhập từ ao, đầm cũng chỉ đủ để anh Cường trang trải cuộc sống qua ngày.
Năm 2007 nhận thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cho thu nhập cao, anh Nguyễn Văn Cường đã “khăn gói quả mướp” đi học tập kỹ thuật nuôi tôm ở nhiều nơi. Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm, anh trở về địa phương đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhưng rồi trời không chiều lòng người, những vụ tôm đầu tiên dù bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc, nhưng ao tôm của anh vẫn bị dịch bệnh. Tôm chết nhiều, khiến anh Cường lao đao.
Công việc cho tôm ăn hàng ngày được anh chăm sóc tỉ mỉ. Anh Cường thổ lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, nuôi tôm trong bể xi măng khi cho tôm ăn vừa là lao động, nhưng đồng thời cũng là thú vui, giải trí khi được ngắm từng đàn tôm trong bể...
Bại nhưng không nản, những ngày rảnh rỗi anh lại chạy khắp nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm. Kể với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Cường cho hay: “Tôm giống ươm trong bể xi măng phát triển rất tốt, nhưng khi chuyển xuống ao nuôi lại bị dịch bệnh, chết rất nhiều, có đợt tôm chết như ngả rạ, trở tay không kịp. Nhiều đêm trăn trở vắt tay lên trán suy nghĩ, tôi lại đặt ra câu hỏi nuôi tôm trong bể xi măng tốt như vậy, tại sao mình lại không thử???".
Nghĩ ra ý tưởng nuôi tôm trong bể xi măng là anh Cường bắt tay vào thử nghiệm ngay. Mỗi vụ, anh Cường lại bớt lại một ít tôm giống nuôi ở trong bể xi măng xem sao. Lúc thu hoạch phát hiện cùng lứa tôm thả xuống ao, tôm nuôi ở trong bể xi măng lại ít dịch bệnh, phát triển mạnh hơn. Nắm bắt được ưu, nhược điểm này, anh áp dụng nuôi liền 4 vụ tôm trong bể xi măng, 4 năm nay, nuôi vụ tôm nào cũng đều cho thu hoạch cao…
Năm 2016, anh Cường quyết định chuyển đổi mô hình nuôi tôm từ nuôi trong ao, đầm sang nuôi tôm trong bể xi măng. Trong vòng 2 năm 2016- 2017, anh đã san lấp ao xây dựng 80 bể xi măng, mỗi bể rộng 25m2, với hệ thống mái , hệ thống sục bọt tạo oxy hoàn chỉnh…
Những con tôm thẻ chân trắng nuôi trong bể xi măng ít bị bệnh tật hơn so với khi nuôi ở môi trường ao, đầm.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVET.VN, anh Cường lưu ý , người nuôi tôm trong bể xi măng phải chú ý việc xử lý nguồn nước. Theo đó, sau khi lấy nước từ biển về hồ chứa, người nuôi tôm phải xử lý kỹ thuật lọc sạch các chất hữu cơ. Nước biển nuôi tôm phải được thay thường xuyên để đảm bảo nước luôn sạch, không mang mầm bệnh.
Mặt khác, nguồn thức ăn cho tôm thẻ chân trắng nuôi trong bể xi măng cũng phải lấy ở những doanh nghiệp sản xuất tên tuổi, uy tín, đảm bảo chất lượng. Anh Cường cũng không bao giờ cho tôm ăn những chất kích thích tăng trưởng nên tôm thẻ chân trắng nuôi trong bể xi măng của anh thơm, ngon và dai hơn so với tôm nuôi ở dưới ao…
Theo tính toán của anh Nguyễn Văn Cường, hiện nay với 80 bể xi măng, 1 năm anh nuôi 3 vụ tôm, mỗi bể cho khoảng 2,1 tạ tôm thịt thương phẩm. Tính theo giá thị trường mỗi bể cho anh thu khoảng 15 triệu đồng/năm, như vậy mỗi năm doanh thu nuôi tôm thẻ trong bể xi măng lên đến cả tỷ đồng...