Trồng chanh mà dọn sạch cỏ dại là xưa rồi. Nông dân Long An bây giờ chủ động trồng kín cỏ trong vườn, vừa chống hạn, vừa giúp cây chanh sống khỏe, cho trái sai như bình thường.
Huyện Bến Lức được xem là thủ phủ trồng chanh không hạt của tỉnh Long An với diện tích gần 6.000ha. Các vùng trồng trong huyện hầu hết lấy nước từ nguồn sông Vàm Cỏ Đông.
Tuy nhiên, tình hình khô hạn diễn biến phức tạp; cùng với xâm nhập mặn ở mức cao đang gây ảnh hưởng đến sản xuất. Nhiều hộ nông dân kể, do nước sông bị mặn nên không thể lấy nước tưới chanh. Nguồn nước dự trữ trong kênh nội đồng lại bốc hơi nhanh do thời tiết khô hạn.
Tình cảnh nhiều chủ vườn chanh đang vật vã tìm nguồn nước cũng dễ dàng bắt gặp ở khắp các vùng trồng khác của huyện Bến Lức. Thế nhưng, ở xã Lương Hòa, ông Trần Duy Thuận vẫn cứ thong dong đi ngắm chanh, ngắm cỏ mỗi ngày trong trang trại 14ha của mình.
Theo ông Thuận, một số nông dân vẫn áp dụng biện pháp canh tác cũ là diệt cỏ xung quanh gốc, khiến cây chanh bị vàng lá vì thiếu nước. Tuy nhiên ngay tại trang trại của ông, vườn chanh vẫn tốt tươi, trĩu quả.
Đặc biệt hơn nữa là cỏ dại mọc um tùm, chen nhau nở hoa, vươn mình vây phủ lấy trang trại. “Cỏ dại chính là bí quyết để chanh trong vườn chống lại cái nắng khắc nghiệt và phát triển bền vững”, ông Thuận khẳng định.
Thấy chúng tôi chưa tin tưởng lắm, ông Thuận giải thích, chính nhờ cỏ được nuôi giữ lại để che phủ mặt đất nên làm giảm bốc hơi nước. Bộ rễ cỏ còn giúp làm tơi xốp đất. Khi tưới, nước và phân thấm vào đất hiệu quả hơn.
Để cỏ mọc um tùm cũng đồng nghĩa với việc không phun xịt thuốc BVTV. Các vi sinh vật có lợi sẽ tồn tại, giúp ích cho đất và cây trồng. Không dùng thuốc xịt cỏ cũng giúp bảo vệ môi trường, giảm giá thành sản xuất.
Mặt khác, trái chanh không nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, dễ dàng đáp ứng các yêu cầu khó tính của thị trường.
Nhưng để cỏ mọc quanh gốc thì nguồn dinh dưỡng của cây bị cạnh tranh? Ông Thuận khẳng định không hề hấn gì. Khi tưới phân, cỏ sẽ “ăn” hết 20% lượng phân bón. Còn khi dọn sạch cỏ, lượng phân bón gặp nắng nóng bị bốc hơi đến 60–70%. Chưa kể, chính lớp cỏ bị hoai mục còn giúp bù đắp lại lớp hữu cơ tái tạo đất trồng.
Ông Thuận bảo, nhiều người thường không để ý đến các con số cụ thể và chỉ giải thích do thiếu nước tưới thì nhỏ trái. Người làm kinh tế thì phải biết đánh giá kỹ lưỡng thiệt hơn ở từng mô hình.
Trong điều kiện thời tiết thuận lợi thì sản lượng trái từ vườn có và không có cỏ là tương đương. Nhưng đến mùa khô hạn và xâm nhập mặn khốc liệt như hiện giờ mới thấy cỏ dại phát huy lợi thế.
Bình thường, chỉ cần 15 trái chanh có thể cho trọng lượng 1kg. Vào mùa khô, trái nhỏ, phải 20 trái mới đạt 1kg. Cỏ giúp chanh không mất nước nên năng suất luôn duy trì ổn định.
Ông Thuận tâm sự, 7 năm trước, ông cùng với các thành viên trong HTX trồng đu đủ. Năm đó đu đủ gặp nắng hạn. Ông cùng nhiều người bàn cách giữ cỏ lại quanh gốc cây. Nhờ thế mà đu đủ chịu được nắng hạn, không bị chết. Từ hiệu quả này, ông Thuận mới bàn với mọi người mạnh dạn áp dụng trên cây chanh.
Lúc đầu cũng có nhiều người phản đối nhưng sau nhiều lần so sánh các cách thức, kết quả là vườn chanh để cỏ vẫn xanh tốt hơn. Hiện ông Thuận là Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, toàn bộ diện tích chanh 50ha của HTX đều được ông Thuận cho áp dụng theo mô hình này.
Thực tế, cách giữ cỏ trong vườn cây cũng đã được khá nhiều nhà vườn khác ở các tỉnh miền Tây ứng dụng.
Như tại vườn bưởi da xanh của ông Lê Hùng Cường, xã Kế Thành (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) trồng cỏ xung quanh gốc cây để tạo độ ẩm giúp tiết kiệm nước tưới.
Ở xã Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), nông dân Trần Văn Tơ cũng áp dụng mô hình tương tự tại vườn bưởi của mình.
Theo ông Tơ, cỏ mọc trong vườn cây ăn trái thường bị phun thuốc nhiều năm trước đây. Vì nông dân cho rằng cỏ dại sẽ cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng với cây trồng nên nhà vườn diệt cỏ bằng đủ mọi cách. Đáng ngại nhất là việc sử dụng quá mức thuốc diệt cỏ, gây hại lớn đến môi trường và chất lượng nông sản.
Ông Phan Anh Tú - cán bộ Trạm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Tháp Mười cho biết, hiện nay, những suy nghĩ ấy dần thay đổi. Nhà vườn thay vì diệt cỏ thì giờ giữ lại cỏ.
Mô hình này giúp hạn chế tưới trong mùa nắng. Trong mùa mưa, cỏ giúp chống xói mòn, làm hư bộ rễ - vốn là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập gây bệnh cho cây trồng. Cách để cỏ trong vườn cũng góp phần tạo ra hệ sinh thái bền vững, thu hút thiên địch.
“Giữ cỏ và sử dụng cỏ hợp lý nhằm cân bằng sinh thái trong vườn cây là cách làm hướng đến sự an toàn bền vững”, ông Tú chia sẻ.
(Theo Dân Việt)