Đây vốn là chuyện lạ tỉnh Quảng Nam thời gian gần đây về dị nhân Lê Thạnh, trú tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - cán bộ ngân hàng Agribank tỉnh Quảng Nam).
Ông Lê Thạnh là người đổi thế cho cây cảnh loại bonsai mọc ngược đã được xác nhận kỷ lục Việt Nam.
Những ngày giữa tháng 12/2020 niềm vui đã đến với "lão gàn" dị nhân Lê Thạnh khi hàng trăm tác phẩm cây cảnh loại bonsai mọc ngược độc đáo của ông đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận Bằng kỷ lục đối với ông Lê Thạnh "Người tạo tác các tác phẩm Bonsai ngược nhiều nhất Việt Nam" ngay tại buổi Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 41.
Buổi Hội ngộ Kỷ lục Việt Nam do Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) tổ chức với chủ đề "Hoa tre - Trăm năm chỉ nở một lần. Kỷ lục gia - Trọn đời sáng tạo tinh hoa" chính thức diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh vào ngày 20/12 vừa qua.
Đây là vinh dự lớn cũng là lần đầu tiên một cán bộ Ngân hàng Agribank tỉnh Quảng Nam và cũng là người tiên phong trong giới chơi cây bonsai ngược độc nhất vô nhị ở dãy đất miền Trung nói riêng và cả nước nói chung được xác nhận kỷ lục Việt Nam.
Dị nhân kỷ lục Việt Nam Lê Thạnh tâm sự: Ông mê cây cảnh từ thuở còn nhỏ, nhưng lúc bấy giờ không có đủ nguồn lực cũng như kinh phí để theo đuổi ước mơ của mình. Vã lại cuộc sống luôn thay đổi, không cố định tại một chỗ nên chuyện thực hiện ước mơ bị gián đoạn.
Đến năm 1997, ông chính thức an cư, lạc nghiệp trên mảnh đất Tam Kỳ, cũng từ đó ông bắt đầu thực hiện lại ước mơ thuở nhỏ của mình là sưu tầm tất cả các loại cây cảnh, nhất là loại bonsai.
Nhờ vào thế chơi ngược đời của ông Thạnh, mà từ đó cái tên dị nhân đã gắn liền với ông và bay xa trong làng chơi cây cảnh khắp mọi miền đất nước.
"Nghệ thuật bonsai kinh điển quan niệm bonsai là nghệ thuật tái hiện hình tượng cây cối từ thiên nhiên vào trong tác phẩm. Nếu như trong thiên nhiên có những cây cổ thụ đơn lẻ cao dong dỏng, những cây bị xô nghiêng hoặc những cây mọc ở triền núi, do tác động của tự nhiên cây phải cong vòng xuống dưới… thì nghệ thuật bonsai đã mô phỏng thành những dáng thế đặc trưng được định hình, lần lượt là văn nhân, bạt phong, thác đổ… Hoặc từ những cây cổ thụ mọc thành cụm 3 cây, 5 cây hay nhiều cây tương ứng với các thế đa thân: Tam đa, ngũ phúc, cụm rừng… trong nghệ thuật bonsai", dị nhân Thạnh chia sẻ.
Dạo quanh vườn bonsai ngược của dị nhân Lê Thạnh, theo quan sát một trong những tình huống đặc biệt nhưng không lạ, đó là: Cây mọc ngược, từ trên mọc xuống, trong các hang động chẳng hạn… Cũng từ ý nghĩ đó, dị nhân Lê Thạnh mới đặt riêng cho cây cảnh bonsai mình cái tên khác lạ "bonsai ngược".
"Đó là trường phái tạo hình tác phẩm bonsai theo hướng ngược. Tức là thay vì cây được trồng "xuôi", từ trên xuống người chơi cây trồng theo hướng ngược lại, từ dưới lên. Ban đầu, tôi thử nghiệm với những cây nhỏ, trong chậu nhỏ. Sau đó, qua thực tiễn chăm sóc, nuôi trồng rồi rút kinh nghiệm dần đã phát triển mạnh đối với những loại cây có kích thước lớn hơn…", dị nhân Lê Thạnh nói.
Theo dị nhân Lê Thạnh, dáng thế và cả các loại chậu trong bonsai ngược cũng được phá cách theo nhiều kiểu đa dạng, phong phú, tạo nên những tác phẩm lạ mắt, ấn tượng. "Nếu trong bonsai "xuôi" có các thế trực, xiêu, hoành, huyền (thẳng đứng, nghiêng, ngang và đổ) thì trong bonsai ngược cũng có các dạng tương ứng: trực (thẳng nhưng chốc ngược xuống dưới), xiêu (chốc nghiêng), hoành (chốc ngang) và huyền (vừa chốc vừa đổ). Còn "chậu" cho bonsai ngược thì được sử dụng vô cùng phong phú, thể hiện sức tưởng tượng, đi kèm với chút sáng tạo qua các chậu với một cái lu, cái độc bình cắm hoa, thậm chí là một cái ché rượu...", dị nhân Thạnh chia sẻ.
Đam mê theo cách riêng và "hóa kiếp" cho cây cảnh, đến nay khu vườn của dị nhân Lê Thạnh đã có đến hơn 100 tác phẩm bonsai các loại. Đặc biệt, chơi cây cảnh không phải để kinh doanh mà phải biết tận hưởng giá trị, độc lạ của nó. Nhiều người trả ông cả chục, trăm triệu một cây, nhưng không không bán vì sợ họ mua theo giá trị chứ không "yêu cây như yêu con", ông nói thà ông sẵn sàng đem tặng, đem cho người mà biết mê, yêu cây cảnh…
"Đâu phải con chim quý nào cũng phải ở lồng son, đối với cây cảnh cũng thế, không có cây nào xấu phải bỏ đi, muốn nó đẹp thì phải "hóa kiếp" cho nó mới tạo thành một tác phẩm nghệ thuật được", dị nhân Thạnh tâm sự.
(Theo Dân Việt)