Xuất thân từ gia đình dân tộc thiểu số Bh’nong nghèo, chị Hồ Thị Tường (1987) luôn tự hỏi: làm cách nào để thoát nghèo? Nhận thấy người dân ở thị trấn Khâm Đức có nhu cầu tiêu thụ rau sạch rất lớn, trong khi nguồn cung cấp rau thường từ đồng bằng chở lên, giá cả lại đắt đỏ, chất lượng cũng chưa đảm bảo.
Chị Hồ Thị Tường (phải) đang thu hoạch rau lủi. Ảnh: XUÂN LAM.
Từ năm 2017, tận dụng diện tích đất trong vườn nhà ở tổ 1 (thị trấn Khâm Đức), chị Tường trồng hơn 1.000 cây rau bồ ngót. Bình quân mỗi ngày chị thu về gần 200 nghìn đồng từ bán rau bồ ngót.
Có ít vốn ban đầu, chị Tường quyết định mở rộng diện tích, cũng như trồng thêm nhiều loại rau mà thị trường ưa chuộng. Hiện tại, với hơn 2.000m2 đất vườn, chị Tường trồng xen canh nhiều loại rau, quả như cà tím, khổ qua, dưa leo, bắp cải…
Đáng chú ý, từ năm 2019, chị Tường đã di thực thành công cây rau lủi, một giống rau rừng, rau dại bản địa của người Bh’nong Phước Sơn về trồng tại vườn nhà. Loại rau rừng này thường mọc tự nhiên trên nương rẫy và được người tiêu dùng rất ưa thích.
“Từ Tết Nguyên đán đến nay, ngày nào tôi cũng bán ra thị trường từ 30 - 40kg rau lủi, cộng thêm các loại rau trong vườn, mỗi ngày dư gần 600 nghìn đồng. Tôi đã khoan giếng, đầu tư thêm hệ thống nước tưới tự động để cho cây rau lủi phát triển tốt” - chị Tường cho hay. |
Không chỉ mang rau đến chợ bán như kiểu bà con dân tộc Bh’nong ở Phước Sơn thường làm mà chị Tường còn tận dụng mạng xã hội facebook để việc mua bán rau được thuận tiện hơn. Từ tháng 10.2019, trang facebook “vườn rau Tường Tý” ra đời. Thông qua mạng xã hội facebook, chị Tường đã nhận và ship rau sạch quanh địa bàn thị trấn Khâm Đức.
“Từ ngày có trang facebook này, mỗi khi có khách đặt rau, số lượng bao nhiêu, loại rau gì là tôi sẵn sàng cung cấp. Có hôm khách đặt rau nhiều thì tôi thu mua của bà con trong tổ dân phố. Bản thân cũng có thu nhập mà bà con ở đây cũng bán được nông sản làm ra” - chị Tường chia sẻ.
Chị Bạch Thu Hà (tổ dân phố số 2, thị trấn Khâm Đức) cho biết: “Tôi thường mua rau lủi, cà dìm của chị Tường, giá cả phải chăng, chất lượng rau luôn đảm bảo sạch, an toàn, mà lại được giao tận nhà. Gia đình tôi cũng như bà con ở đây yên tâm lắm”.
Ba năm qua, Hội LHPN thị trấn Khâm Đức đã triển khai khá hiệu quả chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững”; trong đó mô hình trồng rau an toàn của chị Hồ Thị Tường được coi là điển hình.
“Chị Tường tuy là phụ nữ dân tộc thiểu số, song rất siêng năng, chịu khó học hỏi và mạnh dạn trong làm ăn kinh tế. Từ khi mô hình trồng rau an toàn của chị Tường, Hội LHPN thị trấn Khâm Đức đã đưa hội viên đến đây tham quan, học tập kinh nghiệm...", bà Nguyễn Thị Kim Uyên, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Khâm Đức cho biết thêm.
Theo bà Kim Uyên, trong tổng số 1.700 hội viên thì có đến 500 hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số đến đây và được chị Tường tận tình chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc rau sạch, cách di thực cây rau lủi, cũng như hướng dẫn về thị trường đầu ra. Chúng tôi cũng đã nhân rộng điển hình làm giàu từ trồng rau sạch của chị Tường ra toàn thị trấn...
Còn chị Hồ Thị Tý (hội viên phụ nữ tổ dân phố số 2) thì cho biết: “Lâu nay tôi cứ nghĩ cây rau lủi chỉ mọc trên nương rẫy, ven sông suối. Giờ thấy chị Tường trồng được tại vườn nhà, nên tôi cũng sẽ học theo. Một ký rau lủi có giá 15 nghìn đồng, nên trồng được nhiều sẽ có thu nhập cao. Nhà tôi cũng sẽ thoát nghèo”.
Hiện tại Hội LHPN thị trấn Khâm Đức đã xây dựng mô hình tổ liên kết sản xuất rau an toàn; trong đó nhóm hộ trồng rau tổ dân phố số 1 với 14 thành viên do chị Hồ Thị Tường làm tổ trưởng. “Trước đây gia đình tôi cũng nghèo, không có vốn, ít kinh nghiệm làm ăn. Nhờ trồng rau giờ cũng đã làm nhà, mua xe máy, cho con ăn học đàng hoàng. Tôi nghĩ mình làm được thì chị em phụ nữ dân tộc Bh’nong ở thị trấn Khâm Đức cũng sẽ làm được” - chị Tường nói. |