Trong khi các quan chức thương mại Mỹ -Trung đang nỗ lực đàm phán, thì những người nông dân trồng đậu tương của Mỹ đang "ngồi trên đống lửa" và mong chờ một kết quả tốt đẹp, bởi vụ thu hoạch đậu tương ở Nam Mỹ đang đến rất gần, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hong Kong) đưa tin.
Phía Mỹ kỳ vọng Trung Quốc sẽ nhập khẩu số lượng lớn đậu tương từ nước này, tuy nhiên Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ chỉ mua đủ theo nhu cầu của thị trường trong nước.
Cuối tháng 2/2020 sẽ là thời điểm Brazil và Argentina thu hoạch đậu tương và đưa ra thị trường, theo các nhà phân tích. Điều này đồng nghĩa với việc người nông dân Mỹ sẽ "mất khách" vào tay những người đối thủ Nam Mỹ, nếu Bắc Kinh và Washington không thể chốt được một thỏa thuận trước đó.
Cả hai bên đều đã phát tín hiệu rằng một thỏa thuận đã rất cận kề, nhưng đến nay vẫn chưa hề có thông tin về lễ ký kết thỏa thuận đó.
"Sản lượng đậu tương sắp được thu hoạch tại Nam Mỹ đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc", một báo cáo vừa được công ty Shanghai JC Intelligence công bố trong tuần này cho biết.
"Nếu các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc kéo dài thêm 2 tháng nữa, thì người nông dân Mỹ sẽ bỏ lỡ thời điểm vàng để bán đậu tương cho Trung Quốc trong năm mới. Số đậu tương ế ẩm sẽ lại chất đống trong kho của Mỹ", SCMP trích dẫn nội dung bản báo cáo.
Argentina và Brazil đã nhanh nhẹn chớp thời cơ khi Mỹ vắng bóng trên thị trường Trung Quốc trong vòng 16 tháng qua. Các đòn giáng thuế quan của đã buộc Trung Quốc giảm nhập khẩu đến 90% lượng đậu tương từ Mỹ, và Brazil đã lấp gần đầy chỗ trống của Mỹ trong thời gian này.
Trong vụ mùa năm nay, Brazil đang kỳ vọng sẽ thu hoạch được sản lượng đậu nhiều hơn 27% so với Mỹ, theo công ty cung cấp dữ liệu nông nghiệp Gro Intelligence.
Báo cáo của Gro Intelligence còn cho biết, từ năm 2015, khi sản lượng đậu tương của Mỹ nhiều hơn 10% so với Brazil, Trung Quốc đã đề nghị hỗ trợ Brazil bằng "khoản đầu tư tỉ USD vào cơ sở hạ tầng, nhằm đảm bảo nguồn cung đậu tương lâu dài cho nước này".
Ảnh minh họa: Reuters
Trong khi đó, Argentina đang dần khôi phục ngành nông nghiệp và trở lại thị trường sau trận lũ lụt khiến vụ mùa năm 2018 bị phá hủy nghiêm trọng. Trung Quốc đã mua hơn 6,5 triệu tấn đậu tương từ Argentina trong năm nay (nhu cầu của thị trường Trung Quốc là 93,5 triệu tấn đậu tương). Hồi tháng 10 vừa qua, gần như 100% số đậu tương Argentina xuất khẩu trong tháng đều được bán cho Trung Quốc, theo AgriCensus.
Theo SCMP, Argentina cũng đang kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu đầu năm 2020, và những người nông dân nước này lại càng mong cuộc thương chiến của hai nước Mỹ-Trung kéo dài thêm.
"Những điều kiện hiện nay rất tốt. Đối với người nông dân, thì [Mỹ-Trung] không đạt được thỏa thuận lại càng tốt hơn nữa", ông Rogier Kievet, một người buôn bán mặt hàng đậu tương tại Argentina cho biết.
Hồi tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã lần đầu tiên mở cửa thị trường đối với các mặt hàng đậu tương và chế phẩm đậu tương của Argentina, và các nhà xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này đã gọi đây là "thỏa thuận lịch sử". Do đó, nhiều người lo lắng rằng khi Mỹ trở lại thị trường Trung Quốc, thì cơ hội này cũng sẽ tiêu tan.
Người nông dân Mỹ "ngồi trên đống lửa"
Do khí hậu khô, nên Brazil và Argentina sẽ thu hoạch đậu tương muộn hơn mọi năm, và theo dự đoán của giới phân tích thì sớm nhất là vào cuối tháng 1 năm sau họ mới có thể đưa mặt hàng này ra thị trường. Điều này đã giúp người nông dân Mỹ có thêm thời gian để chờ đợi một thỏa thuận với Trung Quốc thành hình.
Đầu tháng 11, Reuters từng đưa tin rằng phía Trung Quốc đã gia tăng nhập khẩu đậu tương của Mỹ, và hai nước cũng đã đưa ra các tuyên bố trấn an thị trường rằng thỏa thuận "giai đoạn 1" đã rất gần, nhưng người nông dân Mỹ vẫn vô cùng sốt ruột.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này cũng vừa có động thái vượt quyền Quốc hội Mỹ và cung cấp gói cứu trợ trị giá 20 tỉ USD cho người nông dân tại các bang trọng yếu đối với chiến dịch tái tranh cử của ông.
Tuy nhiên, SCMP nhận định rằng gói cứu trợ này sẽ không thể bù đắp thiệt hại hay giúp tình hình cải thiện nhiều, khi số nông trường ở Mỹ khai báo phá sản đã tăng 41,6% kể từ năm ngoái đến nay.