Cấp thấp nhất là dành cho những người mới bắt đầu vào nghề
Giai đoạn này, chúng ta hầu như chưa có kinh nghiệm và kiến thức. Đây là thời điểm tuyệt vời để bạn có thể bắt đầu học về sale. Bạn sẽ được công ty hướng dẫn về sản phẩm, cách sale, nói chuyện với khách hàng hay là xử lý từ chối. Kinh nghiệm ở giai đoạn này đó là khi bạn ở mức độ học hỏi này thì hãy cứ tạm tin những gì mình được học, áp dụng lại tất cả và tự đánh giá hiệu quả so với bản thân.
Đối với một dân sale mới thì bạn chỉ nên chú trọng hai điều, đó là: ”quan sát và đánh giá”. Quan sát những gì diễn ra, đánh giá những gì học được, cái gì phù hợp với mình thì phát triển, cái gì không phù hợp thì loại bỏ. Hãy kiên trì vì đây là khoảng thời gian mà số lượng dân sale bỏ việc nhiều nhất, lý do là kiến thức ở giai đoạn này đang thiếu và doanh số chưa đạt như mong đợi.
Cấp thứ hai mà dân sale hướng tới đó là tự học
Sau vài khóa học và với những gì bạn học được ở cấp độ trên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì bạn cũng sẽ như nhiều dân sale làng nhàng khác, thu nhập không cao, kiến thức yếu và nếu qua một môi trường khác thì cũng hầu như đào tạo lại. Giai đoạn này, bạn cần phải tự học để nâng cao trình độ. Kiến thức không chỉ đơn thuần là những gì công ty dạy bạn, hãy tận dụng mạng internet để bổ sung kiến thức cho mình. Ngoài ra, chúng ta có thể học chéo từ những ngành khác, học từ đối thủ cạnh tranh, đồng nghiệp trong công ty hay là đối với sếp. Với những nguồn kiến thức đó, bạn sẽ tích lũy được nhiều kiến thức hơn so với khi mới vào nghề.
Một ví dụ để bạn có thể học hỏi kinh nghiệm đối thủ, không ít nhân viên sale thường tự đóng vai khách hàng và đến công ty đối thủ cạnh tranh, họ sẽ học được cách mà đối thủ tư vấn như thế nào và xử lý tình ra làm sao.
Cấp thứ ba là học cách quản lý và giao việc
Sau khi bạn phát triển đến một mức nhất định, bạn sẽ có hai hướng rõ rệt. Một là giữ vững khả năng của bạn ở hiện tại và vẫn tiếp tục làm nhân viên sale. Hai là học cách quản lý để nhảy lên một mức cao hơn.
Đối với nghề sale, đây là giai đoạn rất quan trọng, vì khi bạn nhảy lên một vị trí cao hơn, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn. Nhiều nhân viên sale thì không thích điều này, họ cho rằng khi lên một mức cao hơn thì áp lực nhiều hơn, công việc nhiều hơn và họ chỉ hài lòng với hiện tại. Với họ thì hiện tại là ổn, mức thu nhập khá và họ cũng không muốn đau đầu với các kiến thức quản lý.
Tuy nhiên, nghề nghiệp nào cũng vậy, thị trường thì ngày một cạnh tranh, bạn cần phải lên một nấc thang cao hơn, chắc chắn hơn, đặc biệt là đối với nghề sale. Khi bạn càng lớn tuổi thì việc học cách quản lý lại càng thể hiện sự quan trọng của mình, bạn vừa đảm bảo thu nhập vừa có thêm nhiều hướng đi công việc.
Hãy học hỏi để nâng trình độ, đây chính là sự khác biệt tạo nên những nhân viên sale thành công so với nhóm còn lại.